Cơ quan chức năng kiểm tra việc san lấp chất thải trái phép tại Bình Chánh

Liên quan đến vụ san lấp, chôn lén chất thải tại tổ 8, ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) được báo chí phát hiện, phản ánh trong những ngày qua, ngày 22-11, UBND huyện Bình Chánh phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM và một số cơ quan chức năng liên quan tiến hành “khai quật” khu đất san lấp để làm rõ hơn các chứng cứ của vụ việc.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc san lấp chất thải trái phép tại Bình Chánh

Tại 2 khu đất san lấp (tổng diện tích 7.542m2) do ông Trần Hồng Thái (ngụ quận 6) và bà Nguyễn Thị Cẩm Sa (ngụ quận 8) đứng tên sở hữu, lực lượng chức năng sử dụng xe cuốc đào ngẫu nhiên 6 hố. Trong số này, có 4 hố khi xe cuốc đào lên lộ rõ phía bên dưới toàn rác thải; mùi hắc, hôi thối tỏa ra nồng nặc. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định vật liệu được chôn lấp dưới đất gồm: nylon dạng mảnh vụn, sợi dài; simili; bao bì, giấy nhựa; một số bao tải chứa rác còn nguyên vẹn…

Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh Hồ Ngọc Hiếu cho biết việc “khai quật” khu đất san lấp nhằm đánh giá sơ bộ chất thải chôn lấp với chứng kiến của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Hiện toàn bộ khu đất san lấp nêu trên được UBND xã Phong Phú phong tỏa. “Ngày 23-11, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM sẽ làm việc với các ngành, đơn vị, cá nhân liên quan để xác định nguồn thải, sau đó lấy mẫu phân tích, củng cố hồ sơ để xử lý”, bà Hiếu cho hay.

Theo bà Hiếu, huyện Bình Chánh đang kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM sẽ “khai quật” toàn bộ khu đất, thu gom và xử lý số chất thải nói trên ngay sau khi việc lấy mẫu phân tích được thực hiện xong, không đợi đến khi kết thúc xử lý vụ việc, nhằm kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Khu đất trên trước đây là đất lúa và được chuyển mục đích sử dụng thành đất trồng cây hàng năm vào đầu năm 2018. Tháng 2-2018, chủ sở hữu là ông Trần Hồng Thái và bà Nguyễn Thị Cẩm Sa hợp đồng với một đơn vị để san lấp mặt bằng, phục vụ trồng trọt. Trước khi san lấp, chủ sở hữu đất có phương án cụ thể và có báo chính quyền địa phương.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, sau khi Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM có kết luận cuối cùng về mức độ vi phạm, sai phạm trong vụ việc, huyện sẽ đánh giá, xem xét trách nhiệm của chính quyền cơ sở và phòng ban chức năng liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục