Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Cơ sở dữ liệu dùng chung - Chìa khóa xây dựng chính quyền số

Thời đại ngày nay, nhiều sự thay đổi rất nhanh nhờ tiến bộ vượt bậc và liên tục của công nghệ mới. Ngay cả những khái niệm mang tính nền tảng cũng bị thay đổi chỉ trong một, hai thập niên. Đây là quá trình tiến hóa không theo lối thông thường mà có tính đột phá, thậm chí làm thay đổi cả về nhận thức.
Cơ sở dữ liệu dùng chung - Chìa khóa xây dựng chính quyền số

Tìm lời giải cho sự rời rạc, thiếu liên thông 

Ví dụ điển hình nhất là khái niệm “xã hội điện tử” (Electronic Society hay e-Society) đặc trưng bởi những thuật ngữ tưởng mới làm quen như thương mại điện tử, giáo dục điện tử, chính phủ điện tử… đang chuyển thành “xã hội số” (Digital Society hay d-Society) đặc trưng bởi những khái niệm hoàn toàn mới: kinh tế số, giáo dục số, chính phủ số… 

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thế giới chứng kiến những thành tựu to lớn của công nghệ số, với trí tuệ nhân tạo (AI) làm trung tâm, mang lại trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, học tập, nghiên cứu, chữa bệnh, bảo vệ môi trường…

Để chủ động nắm bắt thời cơ phát triển và không bị tụt hậu, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đã chú trọng xây dựng chiến lược trí tuệ nhân tạo làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của mình. 

Cơ sở dữ liệu dùng chung - Chìa khóa xây dựng chính quyền số ảnh 1
Ở nước ta, trong vài năm gần đây, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế về đề tài này. Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa lợi thế; đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, một số giải pháp quan trọng như: phát triển hạ tầng kết nối số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số... đã được đề cập.

Việc thực hiện chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ ở TPHCM đồng nghĩa với việc tìm ra lời giải cho bài toán làm thế nào chuyển đổi từ trạng thái đang xây dựng chính quyền điện tử hiện nay, với những bất cập đã được nhìn nhận mà tiêu biểu nhất là tính rời rạc và liên thông kém, sang trạng thái chính quyền số với những ưu việt nêu trên. Đây là bài toán chung cho tất cả các địa phương khác trong cả nước.

TPHCM có thể giải bài toán này một cách chủ động vì ngay từ khi ra chủ trương lập đề án xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã hướng tới xây dựng chính quyền số để quản lý, điều hành đô thị thông minh đó.

Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh xác định 4 mục tiêu lớn cần thực hiện là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, xây dựng trung tâm dự báo và mô phỏng kinh tế - xã hội, thành lập trung tâm an toàn thông tin.

Thêm vào đó, để mọi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong bộ máy chính quyền gắn kết với nhau như thành phần của một hệ thống thống nhất, TPHCM đã lập và phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Kiến trúc chính quyền điện tử đóng vai trò cẩm nang ứng dụng CNTT cho các cơ quan chính quyền thành phố trong thời chuyển đổi số. Kiến trúc này chủ yếu được xây dựng cho các sở ban ngành, quận huyện, phường xã tại thành phố để các đơn vị tham chiếu, tuân thủ khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, thống nhất.

Kiến trúc này sẽ giúp đảm bảo các kế hoạch đầu tư về CNTT và truyền thông của các cơ quan chính quyền thuộc thành phố đạt được thành quả đúng theo mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tránh lãng phí, trùng lắp và tiết kiệm ngân sách.

Có thể nói, việc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh là chỗ dựa để TPHCM triển khai thực hiện chỉ thị quan trọng nêu trên với điểm xuất phát là tổ chức lại dữ liệu theo hướng kiến tạo hạ tầng số mà chính quyền số lấy làm nền tảng.

Việc này bắt đầu từ xây dựng mô hình kiến trúc dữ liệu cho kho dữ liệu dùng chung mà đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh đã xác định.

Kho dữ liệu dùng chung là nơi cung cấp dữ liệu cho tất cả các ứng dụng được phát triển trong cơ quan chính quyền TPHCM cùng sử dụng gồm cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung về thực thể quản lý nhà nước (QLNN), danh mục, tư liệu dùng chung…

Trong đó, CSDL dùng chung về các thực thể QLNN là lõi của kho dữ liệu này. Những CSDL này vừa có vai trò mở đường cho sự hình thành dữ liệu lớn bằng các dữ liệu liên kết vừa gắn kết tất cả ứng dụng được phát triển trong hệ thống một cách thống nhất trên cơ sở sử dụng chung những dữ liệu cơ bản của thực thể QLNN.

Hướng tới phồn thịnh   

Trong dự án xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái mở của TPHCM, có 3 tập thực thể quan trọng nhất là  “người dân”, “doanh nghiệp” và “thửa đất” (theo bản đồ địa chính) được chọn để xây dựng.

Để minh họa, chúng ta chọn thực thể “người dân” - thành phần quan trọng nhất của xã hội. Hiện nay, các cơ quan chính quyền thành phố quản lý người dân theo những tiêu chí khác nhau, tùy theo chức năng của mình. Ví dụ: Sở Tư pháp quản lý về khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; Công an thành phố quản lý về cư trú, cấp chứng minh nhân dân hay căn cước công dân; Sở Giáo  dục và Đào tạo quản lý về học tập; Sở Y tế về sức khỏe… Tập hợp tất cả dữ liệu từ các ứng dụng chuyên ngành này tạo thành “phiên bản số” của thực thể “người dân”.

Cơ sở dữ liệu dùng chung - Chìa khóa xây dựng chính quyền số ảnh 2
Ở trạng thái hiện nay, “phiên bản số” đó đang được chia làm nhiều mảnh nằm ở các hệ thống ứng dụng chuyên ngành khác nhau và vì thế, mỗi cơ quan chức năng chỉ nắm được một phần thông tin về thực thể quản lý là “người dân”. 

Khi xây dựng kho dữ liệu dùng chung, những dữ liệu cơ bản về thực thể “người dân” mà ứng dụng chuyên ngành nào cũng cần đến (như mã định danh, họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch…) được tổ chức thành CSDL dùng chung cho tất cả các ứng dụng sử dụng.

Ở chuyên ngành của mình (tư pháp, công an, y tế, giáo dục, bảo hiểm…), các giá trị thuộc tính mới về thực thể “người dân” được phát sinh chỉ liên quan đến chuyên ngành đó.

Trong một hệ thống được thiết kế tổng thể thống nhất, nhà quản lý dễ dàng có được phiên bản số đầy đủ nhất về thực thể “người dân” thông qua dữ liệu liên kết trong CSDL dùng chung mà các ứng dụng đều sử dụng.

Đó là mục tiêu cơ bản nhất của chính quyền số. Trong quá trình phát triển, phiên bản số của thực thể “người dân” được làm giàu bằng dữ liệu trạng thái được thu thập bởi các thiết bị IoT.

Sự tồn tại dữ liệu liên kết trong CSDL dùng chung của thực thể “người dân” là mắt xích đảm bảo gắn kết dữ liệu văn bản phát sinh từ những ứng dụng chuyên ngành với dữ liệu số được cập nhật từ các thiết bị IoT, không phân biệt chức năng của hệ thống mà thiết bị đó phục vụ (như y tế, giao thông, công sở…).

Đây chính là yếu tố tạo ra dữ liệu lớn cho phiên bản số của thực thể “người dân”. Đối với các tập thực thể khác, nguyên lý tiếp cận cũng tương tự như vậy. 

Trên cơ sở kho dữ liệu dùng chung, TPHCM sẽ phát triển Cổng dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/ nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, giúp doanh nghiệp và người dân chủ động tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin để phục vụ cho cuộc sống, công việc kinh doanh và đầu tư.

Ngoài ra, việc mở dữ liệu công cũng nâng cao việc huy động nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo ra các dịch vụ số hóa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của TPHCM.

Có thể nói, dữ liệu sẽ là nguồn nguyên liệu mới để xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính quyền số. 

Về lâu dài, dữ liệu mở sẽ tạo nền tảng cho quản lý hành chính số hóa, hỗ trợ người dân giám sát, quản lý hiệu quả công tác của cơ quan nhà nước và ý kiến đóng góp của người dân sẽ được cập nhật nhanh chóng đến các cấp chính quyền. 

TPHCM đang triển khai song song nhiều dự án dựa trên CNTT, như xây dựng đô thị thông minh, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử vào thực tế, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở… một cách nhịp nhàng và đồng bộ.

Tất cả là nhờ TPHCM có quan điểm xuyên suốt về quá trình chuyển đổi số mà mọi hoạt động nhằm tới sự phát triển và phồn thịnh đều là thành phần của quá trình đó.

Tin cùng chuyên mục