Có thể đặt mục tiêu đạt GDP 9% - 10%/năm?

Có thể đặt mục tiêu đạt GDP 9% - 10%/năm?

Sáng nay, 24-4, Đoàn Chủ tịch ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X sẽ đọc giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu về những nội dung trong các văn kiện ĐH. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trong những ngày thảo luận tại ĐH, cùng với những vấn đề nóng bỏng như xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng... các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong thời gian tới.

  • Tăng trưởng GDP 7,5% - 8%/năm: hàng chục năm nữa Việt Nam mới có thể thoát nghèo!
Có thể đặt mục tiêu đạt GDP 9% - 10%/năm? ảnh 1

Toàn cảnh đại hội

Đại biểu Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho rằng, mục tiêu về tăng trưởng GDP trong 5 năm tới là hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng theo ông, mức GDP bình quân đầu người đạt từ 7,5%- 8%/năm là còn khiêm tốn, chúng ta có thể đặt ra mục tiêu 9%- 10%, kèm theo đó là những biện pháp và chính sách để thực hiện bằng được. “Đạt được những mục tiêu thấp là quá dễ, để đạt được những mục tiêu cao mới khó!”- ông Rê nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thanh Bình, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM phân tích: Chúng ta phải làm thế nào để cho mọi người hiểu hơn về thực trạng đất nước, từ đó cố gắng, phấn đấu nhiều hơn. “Nhiều chuyên gia nước ngoài nói với tôi, những kết quả vừa qua của chúng ta là rất quý. Nhưng họ cũng nói rằng: các anh khá chủ quan, vì hình như các anh chưa làm cho người dân hiểu rằng, cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa!”- ông Bình nói.

Ông tỏ ý sốt ruột: “Sự thực, nền kinh tế chúng ta còn rất nhỏ bé, thu nhập bình quân chỉ có trên 600 USD/người hàng năm. Sự phồn thịnh chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Vấn đề này phải được nhận thức trong toàn bộ xã hội chúng ta như thế nào, để chúng ta phải “thắt lưng, buộc bụng”, phải cố gắng ra sao? Không thể suy nghĩ đơn giản về vấn đề này, cần cho người dân thấy rõ!”.

Theo ông Bình, sau ĐH này, chúng ta phải đặt ra một mức phấn đấu cụ thể bởi vì với mục tiêu tăng trưởng 7,5% - 8%/năm thì còn phải mất hàng chục năm, Việt Nam mới có thể thoát ra được khỏi diện nước nghèo và để đạt được 800 USD/người/năm, thì cũng phải còn cả chục năm nữa! Phải nhìn nhận, các nước xung quanh chúng ta đang đi về đâu? Tỏ ý băn khoăn, ông Bình đặt vấn đề: Phải chăng vì chúng ta đang có khuyết điểm nên hướng theo cách đảm bảo một sự tương đối về mọi vấn đề? Đảng phải đặt một sức ép mạnh hơn nữa, để toàn dân nhìn thấy, toàn Đảng hiểu được chúng ta đang ở đâu và phải cố gắng như thế nào mới ra khỏi tình trạng kém phát triển! Chung quan điểm này, ông Vũ Ngọc Hoàn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, ĐH X có vị trí rất quan trọng, đó là tổng kết 20 năm đổi mới và tiếp tục đẩy mạnh sự đổi mới. “Chúng ta đang xem xét là đến năm 2010 sẽ đưa đất nước thoát khỏi diện kém phát triển hay là có thể sớm hơn! Đảng phải xác định rõ hơn các giải pháp để giảm nghèo và rút ngắn khoảng cách tụt hậu, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ lên”- ông Hoàn bày tỏ.

  • Tăng trưởng dựa trên yếu tố nào?

Cũng theo ông Thái Văn Rê, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn đang là nước kém phát triển, chưa phát huy được hết mọi tiềm lực vốn có. Mặt khác, khả năng khai mở thị trường trong nước và ngoài nước của chúng ta còn rất nhiều. “Rất nhiều thị trường chúng ta chưa mở cửa được cả trong và ngoài nước, ví dụ như thị trường vốn, bất động sản. Đây là 2 thị trường cơ bản để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra dư lượng thị trường lớn hơn cả thị trường hàng hóa mà chúng ta đang có, nhưng chúng ta chỉ mới khởi động”, ông phân tích. Những thị trường quan trọng khác như lao động, dịch vụ, công nghệ… cũng dồi dào. Ở các nước, các thị trường này chiếm một thị phần vốn lớn trong nền kinh tế thị trường, nhưng ở nước ta mới chỉ chiếm một thị phần quá nhỏ. Vì vậy, nếu các thị trường này được mở, Việt Nam sẽ còn phát triển rộng nữa. Đó là chưa kể thị trường bên ngoài lớn hơn thị trường trong nước rất nhiều lần. Từ khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ đã tăng 4 lần trong 2 năm (2001 - 2003). Vì vậy, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước còn tăng lên rất nhiều. “Ngoài ra, hàng loạt các tiềm năng lớn khác, như lao động và tiền công, khả năng ứng dụng những công nghệ nhập khẩu, tài nguyên thiên nhiên... đều còn rộng mở”, ông Rê nhấn mạnh.

Một nhân tố quan trọng khác được nhấn mạnh là nguồn vốn. Ngoài vốn tiết kiệm của dân cư hiện nay đạt khoảng 30% GDP, gần đây đã có thêm những thu nhập từ nguồn xuất khẩu lao động, kiều hối... hàng năm cũng đạt khoảng 6-7 tỷ USD. Rồi nguồn vốn về ODA, FDI. Đặc biệt, vốn của nhân dân đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh dưới dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 80-90% nền kinh tế, góp phần rất lớn vào việc giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề khác. “Nếu chúng ta có chính sách tốt thì sẽ tiếp tục khơi thông được nguồn vốn trong nhân dân”, ông nhấn mạnh. Vì vậy, hoàn toàn có thể tin rằng, mục tiêu về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới là có thể đạt được.

  • Đâu là giải pháp?

Theo ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, một trong những giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế là định hướng và chính sách phát triển vùng. “Lâu nay Đảng và Nhà nước luôn nói đến việc phát huy thế mạnh của những vùng trọng điểm, để các vùng này đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước, trợ giúp các vùng khó khăn. Đã có những chính sách như vậy, nhưng rõ ràng những chính sách đó vẫn chưa đủ để các vùng này thực sự trở thành những đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước”, ông Đua nói. Trong Báo cáo Chính trị, Đảng đã xác định phải tính toán để phát triển nhanh những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số... Vấn đề này cũng có sự đảm bảo về an ninh – quốc phòng, cũng như chính sách đại đoàn kết các dân tộc. Ông Đua cho rằng, cần tạo cơ chế để những vùng đó chủ động phát triển. Nếu thiếu vốn, thì có những nguồn lực từ vùng trọng điểm hỗ trợ. Theo ông, trong chính sách phát triển kinh tế vùng, Đảng chưa đề cập đến một tính chất hết sức quan trọng: TPHCM là trung tâm vận tải và giao thông quốc tế. Điều này không tương đồng với việc xây dựng vùng kinh tế trọng điểm. Vì vậy, “TPHCM với các khu công nghiệp, các mối quan hệ, là nơi sản xuất, nơi tiêu thụ hàng hóa, là đầu mối giao thông cả về đường bộ, cảng biển, đường sắt, hàng không cần phải được xác định là trung tâm dịch vụ vận tải và giao thông quốc tế. Điều đó không chỉ dừng lại ở năm 2010, mà có tính lâu dài về sau”, ông Đua nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Tự – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, VN đang có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng do cơ chế và thủ tục hành chính chúng ta đang quá rườm rà, phức tạp, nên trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đã bỏ lỡ những thời cơ quý giá để phát triển.

Trong khi đó, tình trạng độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong khu vực dịch vụ cần phải được tính toán lại. Giá cả các ngành độc quyền ở Việt Nam khá cao so với giá cả quốc tế cũng như trong khu vực, ví dụ như bưu chính-viễn thông, dịch vụ vận tải… Điều đó làm tăng phí đầu vào của các doanh nghiệp sử dụng những dịch vụ này. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh việc giảm, tiến tới xóa bỏ việc độc quyền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, cho phép các doanh nghiệp tư nhân và các thành phần khác được kinh doanh vào các loại hình dịch vụ đó. Đồng thời, các lĩnh vực dịch vụ khác hiện nay tuy đã mở nhưng còn hạn chế như thương mại, ngân hàng, tài chính, lữ hành quốc tế… cần phải mở rộng hơn, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng. Nếu không mở rộng, thì những lĩnh vực đó sẽ vẫn tiếp tục trì trệ, lạc hậu và không thể phát triển nhanh được.

TUẤN QUÂN - LƯU THẢO

Tin cùng chuyên mục