Có thể rút gọn khoảng ¼ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đó là quan điểm được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu tại cuộc hội thảo sáng 24-7 về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

(SGGPO).- Đó là quan điểm được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu tại cuộc hội thảo sáng 24-7 về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét, xu hướng muốn kiểm soát trật tự thị trường, giao dịch thị trường ngay từ khi gia nhập là cách tư duy không hợp lý. Đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, thay đổi đầu tiên, quan trọng nhất và có tính đột phá của dự thảo Luật lần này là không ghi ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh, giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng không có trong giấy đăng ký; đồng thời tăng cơ hội, giúp doanh nghiệp khai thác hết tiềm năng.

“Đơn cử như khi xây nhà, sử dụng không hết diện tích thì có thể cho thuê, tự sản xuất nguyên phụ liệu cho chính mình còn thừa thì có thể bán ra thị trường... Hiện giờ nếu muốn cho thuê phải có giấy phép kinh doanh bất động sản, giấy chứng nhận đầu tư...”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.

Với lập luận này, 10 thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay sẽ được lược bỏ 5 thủ tục, chỉ giữ lại 5. Bỏ được 5 thủ tục, Việt Nam sẽ tiến được 60 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.

Đáng lưu ý, liên quan đến danh mục các ngành nghề bị cấm và ngành nghề bị hạn chế kinh doanh – vấn đề đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện 3 danh mục cấm (cấm đầu tư, cấm kinh doanh, cấm mua bán) có nhiều chỗ trùng lặp, chồng lấn và không trả lời được những câu hỏi bắt buộc phải đặt ra là: tại sao lại cấm; cấm nhằm mục đích gì; cấm trong phạm vi và không gian nào.

Có nhiều loại cấm thực ra là hạn chế kinh doanh, ví dụ cấm kinh doanh quân trang, quân dụng. Thực tế quân đội cũng có thể đặt hàng may quân phục, chế tạo một số loại vật tư, phụ tùng... chứ không nhất thiết phải tự sản xuất. Nhiều ngành nghề bị cấm khác rất khó xác định ranh giới và phụ thuộc rất lớn vào đánh giá, nhận định cảm tính (như “kinh doanh sản phẩm văn hóa phản động; đồi trụy; sản phẩm mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách”)... Quy định “cấm kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm môi trường nhập khẩu từ bên ngoài là không rõ, vì có cấm kinh doanh phế liệu không nhập khẩu hay không? “Cấm sản xuất các loại thuốc chưa lưu hành” cũng chưa chính xác, vì doanh nghiệp hoàn toàn được phép làm, thậm chí còn phải làm trong quá trình thử nghiệm.

Đặc biệt, với các ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, chỉ tập hợp riêng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện để được kinh doanh đã lên tới hơn 1kg giấy tờ tài liệu! Nhiều hạn chế vô lý hoặc thiếu chính xác làm giảm cơ hội kinh doanh, tạo ra kẽ hở xin - cho. Việc tiếp cận cơ hội kinh doanh một cách chính đáng trở nên quá vất vả – vẫn theo TS Nguyễn Đình Cung. Danh mục này có thể bỏ được khoảng ¼ và cần chính xác hóa lại nhiều thuật ngữ.

“Như vậy, quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã đi được hơn nửa chặng đường. Tháng 10 tới, theo dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Hội thảo này nhằm tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự luật, sau khi đã tiếp thu các ý kiến được các vị đại biểu Quốc hội góp ý trong kỳ họp thứ 7 vừa rồi”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục