Có việc làm - thước đo hiệu quả đào tạo nghề

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vừa có đợt giám sát về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn TPHCM. 
Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực hành
Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực hành
Sự chuyển biến khá rõ trong giáo dục nghề nghiệp là các cơ sở đào tạo đang duy trì quan hệ mật thiết với doanh nghiệp để “đào tạo kép”. Đồng thời, các cơ sở chủ động tìm việc cho người học và công bố tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm như một bảo chứng cho hiệu quả đào tạo.
Trường nghề bắt tay với doanh nghiệp  
Trường Cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng TPHCM năm nay tuyển sinh, đào tạo hơn 3.500 người học CĐ và gần 1.400 người học trung cấp. Trong khi nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào cảnh “đỏ mắt” tìm người học, trường Lý Tự Trọng có kết quả tuyển sinh mỗi năm mỗi tăng. Cách tuyển sinh của trường rất bài bản. Hàng năm, trường chủ động liên hệ khoảng 900 trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM và 29 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để hướng nghiệp, tuyển sinh. Trường còn tổ chức các “tour” cho học sinh THCS, THPT đến tham quan môi trường học tập tại trường. Đặc biệt, việc đào tạo được đổi mới, gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động.
Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM Phạm Hữu Lộc cho hay, những năm gần đây, trường đã xây dựng mối quan hệ mật thiết với trên 1.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP và các tỉnh, thành lân cận; cùng đồng hành để đào tạo, vận động tài trợ vật tư, máy móc, thiết bị học tập và tặng học bổng. Năm 2018, trường phối hợp với các DN trên địa bàn TP đã đào tạo trên 1.500 học sinh, sinh viên theo mô hình “đào tạo kép”, đảm bảo học sinh, sinh viên ra trường đáp ứng ngay nhu cầu của DN, không phải mất công đào tạo lại.
Đồng thời, nhà trường cũng khảo sát nhu cầu và thực hiện bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân tại chính các DN. Để không mơ hồ về chất lượng sinh viên, Trường Lý Tự Trọng còn xây dựng chương trình đào tạo, trong đó chỉ rõ các “tiêu chuẩn” chất lượng: sinh viên kỹ thuật nên đạt được các kiến thức, kỹ năng, thái độ toàn diện nào khi rời khỏi nhà trường, và đạt được ở trình độ năng lực nào; làm thế nào để nhà trường có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo sinh viên đạt được những kỹ năng đó?
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 4, trung tâm cũng chủ động phối hợp với các DN cập nhật chương trình dạy nghề gắn với nhu cầu xã hội, với thực tiễn. Người học được tăng thời lượng thực hành lên 80% thời gian khóa học nhằm đảm bảo tay nghề thành thạo khi tốt nghiệp.
Với Trường CĐ Kinh tế TPHCM, Hiệu trưởng Lâm Văn Quản cho hay, trường cố gắng đẩy mạnh gắn kết với DN vào quá trình giảng dạy, từng bước tăng thời gian học tập, thực hành tại DN lên 50% thời lượng toàn khóa. Một số khoa gắn kết với DN tổ chức “Học kỳ DN”, đào tạo tại cơ sở của công ty. Trường đã thành lập Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên và quan hệ DN, nhằm xây dựng quan hệ với các DN để chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ giảng dạy; học sinh, sinh viên có nơi thực tập, kiếm việc làm. 
Không lo thiếu việc 
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, đảm bảo “đưa người, đưa qua sông”, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã có nhiều hình thức giúp học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trường CĐ Kinh tế TPHCM gắn kết với DN tổ chức ngày hội việc làm định kỳ; đăng thông tin tuyển dụng lên website và facebook của trường; thậm chí thầy cô giáo giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên…
Tỷ lệ có việc làm đúng ngành đào tạo của trường ngay năm đầu tiên đạt 78%. Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 4, Giám đốc Trần Minh Ngôn cho biết, trung bình thường xuyên có trên 20 DN đến trung tâm đăng ký tuyển dụng với khoảng 100 đầu việc. 6 năm qua, trung tâm đào tạo hơn 13.000 lượt học viên các nghề ngắn hạn và dạy nghề thường xuyên, trong đó  70% học viên tốt nghiệp được giới thiệu việc làm. Toàn bộ 100% học viên tốt nghiệp có tay nghề thành thạo và có việc làm ổn định. 
Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, hội thảo tư vấn trực tiếp giữa các DN với học sinh, sinh viên. Một bộ phận thu thập thông tin tuyển dụng của các DN, làm nguồn dữ liệu tư vấn việc làm và cập nhật các thông tin này trên website, facebook của trường để học sinh, sinh viên biết. Trường còn giữ liên lạc với cựu học sinh, sinh viên và nếu sau 6 tháng tốt nghiệp mà vẫn chưa có việc làm, sẽ hỗ trợ, tư vấn để các em nắm bắt thông tin tuyển dụng, tìm được việc làm phù hợp.
Bằng các biện pháp tổng hợp, hơn 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở trường này có việc làm phù hợp với ngành nghề trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp; và tỷ lệ tăng lên đến 92% sau 12 tháng tốt nghiệp, với mức lương tháng khởi điểm bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. “Số lượng học sinh, sinh viên trường đào tạo thường xuyên không đáp ứng đủ so với nhu cầu. Trong xã hội, uy tín của nhà trường đã được nâng lên qua việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu xã hội và các DN, ít có người tốt nghiệp bị thất nghiệp”, hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc chia sẻ.
 Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của DN để đào tạo cho trúng. Cùng với đó, đổi mới phương pháp đào tạo, đổi mới phương tiện, thiết bị dạy nghề, giúp người học cập nhật sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu DN. Bởi, không ai khác, chính người học và DN - người sử dụng lao động - sẽ là người kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục