Con dông hút hàng

Thời gian gần đây, tại các vùng ven biển tỉnh Bình Thuận, giá thịt dông luôn ở mức cao và được tiêu thụ khá mạnh. 
Mấy tháng nay, chuồng dông hơn 1.000m² của gia đình ông Lê Văn Tư (thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Khách hàng khắp cả nước và các nhà hàng, resort khu vực Hàm Tiến - Mũi Né liên tục gọi điện đặt hàng nhưng gia đình ông Tư không thể đáp ứng kịp. “Hiện tại, giá 1kg dông đã lên tới 400.000 - 450.000 đồng, gia đình tôi nuôi không kịp để bán. Nhờ vậy mà gia đình tôi có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, khoản tiền mà trước đây gia đình tôi có mơ cũng không thấy”.
Con dông hút hàng ảnh 1 Con dông tại Bình Thuận ngày càng hút hàng
Thấy con dông hút hàng, gia đình ông Lê Văn Vui (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã cải tạo hơn 8.000m² đất cát bỏ hoang từ nhiều năm nay để nuôi loại bò sát này.
“Vừa qua, sau 2 tháng chăm sóc, tôi mới thu được gần một tạ dông, bán với giá 400.000 đồng/kg, thu lời được hơn 200 triệu đồng”, ông Vui hồ hởi kể.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết, thị trường đầu ra của con dông hiện nay trái ngược hẳn với thời điểm cách đây chừng 3 năm. Khi đó, thị trường tiêu thụ bó hẹp, người tiêu dùng còn chưa quen, giá bán thì khá cao so với nhiều loại thịt khác nên con dông luôn ở trong tình trạng tiêu thụ chậm, khiến người nuôi hết sức khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ vào nguồn khách du lịch, dông thịt đã tìm được thị trường tiêu thụ mạnh, giá bán giữ mức cao.
Chị Nguyễn Thị Loan (thương lái chuyên thu gom dông, ngụ TP Phan Thiết) chia sẻ: “Giờ rất nhiều nhà hàng, khu resort, khách sạn từ cao cấp tới bình dân đang rất chuộng loại thịt này. Tôi đang có rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng hiện do số lượng dông chưa được nuôi nhiều nên cũng khó thu mua đủ”.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 hộ nuôi dông với diện tích gần 100ha, chủ yếu tận dụng cồn, bãi cát khô cằn. Các hộ nuôi dông hiện nay chủ yếu tự phát, chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm mà phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Bên cạnh đó, người nuôi dông cũng chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng khi thị trường cần thì không có dông bán và ngược lại. Do vậy, ngoài việc đổi mới cách tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm con dông Bình Thuận ra thị trường, ngành chức năng cũng nên khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt, tránh việc “cung vượt cầu” như đã từng xảy ra.

Tin cùng chuyên mục