Con đường vải vụn

Con đường vải vụn

Đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM) từ gần chục năm nay, là một con đường mới trong tiềm thức của mọi người: Con đường vải vụn. Đường  dài chỉ hơn 1km nhưng có gần 130 hộ chuyên doanh vải vụn. Đa số họ là người đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tiền Giang...

  • Khai sinh một con đường
Con đường vải vụn ảnh 1

Xếp vải vụn trên đường Phú Thọ Hòa.

Theo ông Trương Văn Quang – cán bộ chuyên trách kinh tế UBND phường Phú Thọ Hòa, trên địa bàn phường có tới 139 hộ làm nghề mua bán vải vụn. Chỉ có 11 hộ nằm rải rác ở các đường lân cận khác như: Vườn Lài, Lê Văn Phan, Nguyễn Sơn, Lê Cảnh Tuân, Hoàng Ngọc Phách, Bình Long... còn lại tập trung hết trên đường Phú Thọ Hòa. Suốt tuyến đường này là các ki-ốt kinh doanh vải vụn san sát nhau.

Một buổi chiều, chúng tôi đến làm quen với chị Lê Thị Ngọc Sương, quê ở Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, chủ một cửa hàng vải vụn. Trong ki-ốt rộng khoảng 30m2, 5 người trong gia đình ngồi vây quanh một đống vải vụn trên sàn. Xung quanh, các bao vải xếp chồng lên nhau lèn chặt đến nóc nhà. Những bao vải phế liệu mua về, thường là “hầm bà lằng”, trong đó: vải vụn, giấy, bao nylon, bìa carton...

Chị Sương cười cho biết: “Chỉ riêng việc lọc các loại vải vụn để riêng ra cũng đã mệt lắm rồi. Cũng như các hộ khác, chị Sương mua vải phế liệu, vải lẻ của các công ty may, rồi phân ra thành nhiều loại vải cho những người khác làm nguyên liệu sản xuất đồ chơi, giẻ lau, thảm lau... Riêng những tấm vải có kích thước lớn, màu sắc đẹp sẽ bán cho những người bán vải ký, cơ sở may để phối lên quần áo; vải kate và nỉ để may và lót khẩu trang.

Những mảnh vụn nhỏ hơn thường được bán cho các công ty để lau máy hoặc lau tàu hay xay ra bỏ vào thú nhồi bông, những sợi vải dài dùng để bện thảm...”.

Thường, những người làm vải vụn phân loại theo: kích thước và chất liệu. Dựa trên kích thước, vải vụn phân làm các loại như: loại 1, dài từ 60cm trở lên; loại 2, từ 30 đến 60cm; loại 3, từ 10 đến 30cm. Còn phân loại theo chất liệu như: cotton, thun, nỉ, kate, nylon... Chị Sương cho biết: “Giá mua sô vải vụn từ các công ty đã 1.500-1.800 đồng/kg, sau khi phân loại, giá bán thường dao động 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Vui nhất là những khi “vớ” được những xấp kate hay cotton to bản có thể bán được 10.000-20.000 đồng/kg. Nhưng có lúc dở khóc dở cười khi bao vải vụn phế liệu có quá nhiều “tạp chất”: giấy vụn, bìa carton hay vải vụn đến mức không thể vụn hơn. Vì giấy vụn hay bìa carton thì chỉ bán với giá chung 500 đồng/kg, còn vải vụn quá thì chỉ bán được 100-200 đồng/kg hoặc chỉ còn nước... cho vào sọt rác”.

Theo những người làm vải vụn ở đây thì nghề này xuất hiện từ khoảng năm 1998. Chủ yếu là người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tiền Giang dạt về đây kiếm kế sinh nhai. Muốn làm nghề, các hộ thường phải có “người nhà” dẫn dắt thì mới có mối để làm ăn. Anh Nguyễn Hữu Đức (Quảng Ngãi) tâm sự: “Việc khó nhất khi mở hiệu làm vải vụn là tiếp cận được nguồn hàng phế phẩm từ các công ty may lớn. Nhu cầu hiện nay rất lớn, nhưng nguồn “cung” thì luôn là vấn đề khó khăn, nhất là đối với người mới vào nghề, chưa quen mối hàng”.

Anh Đức cho biết thêm, để có được những lô vải vụn đẹp, như ý, nhiều khi anh phải nhờ đến “cò” vải vụn. Nhưng giá thành những lô như vậy thường rất cao, chỉ khi cần kíp lắm mới... mạnh tay làm. Còn thường, lấy công làm lời, chứ “chơi sang” như vậy thì không dám...

Một chủ hàng quê ở Tiền Giang yêu cầu giấu tên, tiết lộ chỉ có khoảng hơn 10 cơ sở có giấy chứng nhận về tuân thủ các điều kiện môi trường của Phòng Tài nguyên - Môi trường mới có khả năng mua tận gốc từ các công ty may. Còn các cơ sở nhỏ phải mua lại của chủ hàng lớn “phe” ra hay chịu những lô hàng “cắt cổ” của “cò”.

Khoảng 2-3 năm gần đây, thị trường vải vụn trở nên nhộn nhịp khi các thương lái Trung Quốc sang lùng mua các loại cotton nguyên chất với giá cao hơn các cơ sở trong nước khoảng 1.000-1.200 đồng/kg. Mỗi ki-ốt xuất khoảng 100-150kg/ngày cho thương lái này. Vì thế, nhà nhà làm vải vụn, người người làm vải vụn, đường Phú Thọ Hòa càng nhộn nhịp, đông đúc hơn.

  • Sống chung với vải vụn
Con đường vải vụn ảnh 2

Chị Thu Sương và em trai đang cắt, lựa vải vụn. Ảnh: Đ.L.

Nghề làm vải vụn không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn. Theo ông Quang, một gia đình với số tiền 10-20 triệu đồng là có thể mở được một cửa hàng kinh doanh vải vụn. Đặc biệt, có người vốn đăng ký kinh doanh chỉ 500.000 đồng và có tới 43 hộ vốn kinh doanh  vốn dao động 1 - 5 triệu đồng.

Thường các hộ ngoại tỉnh thuê một ki-ốt từ 20-30m2, với giá 1-2 triệu đồng, vừa dùng để ăn ở, vừa là nơi mở cửa hiệu buôn bán vải vụn. Ki-ốt nào cẩn thận thì treo một tấm biển như: Sơ - vải vụn; Trung Chấn - mua bán vải vụn; Hoài An - vải vụn các loại... Có ki-ốt không hề có một cái biển quảng cáo nào, thậm chí có vài ki-ốt vẫn để nguyên bảng hiệu của những chủ kinh doanh trước: “Tiệm vàng bạc...”; “Karaoke...”; “hớt tóc...” nhưng bên trong chỉ có vải là vải...

Tại gian nhà của chị Võ Thị Hồng (Quảng Ngãi), không khí đặc quánh bởi những mảng bụi phụt ra từ bao vải phế liệu trên tay chị đổ ào ra sàn. Xỏ vội mảnh vải khoét 2 lỗ để đeo vào tai - chiếc khẩu trang mỏng manh tự chế, chị Hồng bắt đầu tỉ mẩn lọc lọc, giũ giũ rồi cắt từng miếng vải lẻ cho đúng khuôn của từng loại, sau đó vuốt vuốt và xếp gọn trên 2 đùi. Ba thành viên khác cũng tỉ mỉ không kém, ai vào việc nấy. Bốn đôi bàn tay đều đều, theo những động tác quen thuộc, lặp đi lặp lại. Không ai nói với ai lời nào. Im lặng, đều đều một cách buồn tẻ.

Vòng tay 3 lần quanh đầu để bỏ chiếc khẩu trang được làm từ miếng vải loại 1, cậu em trai chị Hồng chia sẻ: “Thanh niên sức dài vai rộng, ngồi riết thế này cũng khó chịu lắm. Đến tôi, nhiều lúc đứng dậy còn hoa cả mắt, khuỵu cả chân, huống chi mấy chị em phụ nữ”. Tôi hỏi anh có bao giờ đi khám bác sĩ không, khám định kỳ bệnh nghề nghiệp ấy, anh tặc lưỡi: “Thì nhiều lúc cũng thấy tức ngực, khó thở, mắt nhiều lúc cũng mờ mờ nhưng tiền đâu mà đi khám, nói gì đến khám định kỳ. Lúc nào đau... hẵng hay!”.

Chị Hạnh (quê ở Tiền Giang), đã theo nghề 3 năm nay, kể:  “Ở quê làm ruộng rất cực mà không bói ra đồng tiền dư nào. Vợ chồng tôi gửi 2 cháu cho ngoại trông rồi  lên đây. Nhiều lúc nhớ con rớt nước mắt. Nghĩ cũng cực lắm! Muốn chuyển nghề nhưng làm gì bây giờ? Bám ở đây, bòn nhặt tháng cũng gửi về được vài triệu đồng cho mấy bà cháu và trả tiền nợ vay cho người ta.” - chị tâm sự.

Mới ngoài 30 tuổi nhưng đôi mắt mờ đi vì bụi, diệu vợi nỗi nhớ con trông chị Hạnh như đã ở tuổi 40. Chị cho biết thêm: “Nhiều khi bí quá cũng muốn thuê thêm vài người làm đỡ nhưng phải trả cho họ 1 triệu đồng/tháng. Như vậy thì còn gì nữa. Tỉ mẩn, lọ mọ cũng mệt vì nhàm chán, buồn tẻ, vợ chồng tôi tính mua cái đài để nó “véo von” cho đỡ buồn nhưng nghĩ lại thấy tiếc tiền. Thôi, ráng cố làm miết, lúc nào mệt thì nghỉ”...

Bụi. Bụi là ấn tượng đập vào chúng tôi còn mạnh hơn cả câu chuyện mưu sinh bằng vải vụn. Bệnh phổi nhiễm bụi xơ vải là điều ám ảnh chúng tôi suốt những ngày thực hiện phóng sự này. Tuy nhiên, đáng tiếc là cả Trung tâm y tế phường, quận đều chưa khảo sát, thống kê, đánh giá về tình hình sức khỏe của những người mua bán vải vụn ở khu vực này, dù ông Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Phú nói: “Những người làm vải vụn phải sống chung với bụi bặm nên đến hơn 50% số người có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp gấp hơn chục lần người bình thường.

Còn nguy cơ về mắc bệnh đau lưng do ngồi lâu một tư thế, thị lực kém do bụi nhiều cũng đủ để những người “sống chung với vải vụn” quan tâm”.

Những người chuyên doanh vải vụn cũng biết những nguy cơ mắc các bệnh trên. Nhưng trả lời thắc mắc của tôi, họ đều thở dài: “Thì cũng biết cả đấy cô ạ, nhưng biết sao khác được…”.

Biết làm sao khác được khi mà mong muốn có 1 cái đài trị giá chỉ chừng vài chục ngàn đồng để nó “véo von” cho khỏi buồn cũng xa vời. Những người luôn tìm cách gia tăng giá trị cho vải nhưng dễ dàng phớt lờ cách giữ gìn sức khỏe cho mình trong đối mặt với cuộc mưu sinh vất vả...

MINH KHANH - ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục