Con hẻm của những tấm lòng

Cơm hai ngàn, trà đá miễn phí hay những buổi phát cơm, phát bánh mì từ thiện ở các bệnh viện… là điều dễ dàng bắt gặp ở thành phố phương Nam này. Tuy nhiên, ở con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM) làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi một lần đi ngang qua vì có những dịch vụ giúp đỡ những người nghèo, từ ly trà đá, bơm vá xe, chai dầu gió… đến cả dịch vụ trợ táng đều miễn phí.

Cơm hai ngàn, trà đá miễn phí hay những buổi phát cơm, phát bánh mì từ thiện ở các bệnh viện… là điều dễ dàng bắt gặp ở thành phố phương Nam này. Tuy nhiên, ở con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM) làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi một lần đi ngang qua vì có những dịch vụ giúp đỡ những người nghèo, từ ly trà đá, bơm vá xe, chai dầu gió… đến cả dịch vụ trợ táng đều miễn phí.

Dân “thứ dữ” làm từ thiện

Ngay từ đầu hẻm 96, người ta bắt gặp nhiều hình ảnh dễ thương như bình trá đá miễn phí, bơm vá xe miễn phí cho sinh viên, tủ thuốc miễn phí với nhiều loại thuốc ho, cảm, sốt, dầu gió và bông băng, thuốc sát trùng…

Theo lời ông Đỗ Văn Út (56 tuổi, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận) làm công việc bơm vá xe đầu hẻm kể, tủ thuốc có mặt nơi đây đã hơn 10 năm, được nhiều người dân trong hẻm cùng nhau đóng góp mỗi người một ít, ai có gì góp nấy. Cẩn thận hơn, mọi người còn đóng một mái che nhỏ để che nắng mưa cho tủ thuốc không bị hỏng và khóa cẩn thận, mỗi ngày đều có người túc trực 24/24 giờ để phát thuốc cho người cần đến. Bà con lao động nghèo mưu sinh gần đó, thỉnh thoảng ghé lại xin chai dầu gió hoặc viên thuốc cảm khi trái gió trở trời. Ông Út cũng là người đặt bình trà đá phục vụ miễn phí trước hẻm hơn 2 năm nay, vừa bơm vá xe ông vừa canh chừng châm trà, thêm đá lạnh để khách vãng lai hay bà con lao động nghèo đi ngang qua đỡ được cơn khát. Dưới cái nắng gay gắt, ghé lại uống ly trà đá mát lạnh giữa khí trời oi bức, rồi tiếp tục công việc mưu sinh bằng nghề mua ve chai, chị N.T.H. (quê Bình Định) chia sẻ: “Ly trà đá thôi, tôi cũng không dám bỏ tiền mua vì nghề ve chai kiếm từng đồng bạc lẻ, rồi tiền nhà trọ tính theo từng ngày, nhiều khi bỏ ra 2.000 đồng mua ly trà đá cũng đắn đo lắm. Có bình nước miễn phí ở đây mừng lắm, đỡ được chút nào hay chút nấy!”. Nhiều khi chỉ ly trà đá nhỏ cũng đỡ đần một chút cho những hoàn cảnh khó khăn như chị H. và cái nắng chói chang trên đầu có lẽ cũng phần nào dịu bớt lại.

Bình trà đá miễn phí kê gần đầu hẻm để người qua lại dễ nhìn thấy

“Nếu giàu có thì giúp tiền giúp bạc, tụi tui còn khó khăn nên tranh thủ giúp mấy cái nhỏ nhỏ”, ông Út tâm sự. Hỏi ra mới biết, ông Út cùng nhiều cô chú lao động khác trong hẻm cùng chung tay để duy trì bình trà đá hay tủ thuốc mỗi ngày. Mạnh thường quân của con hẻm 96 này còn có cô Hạnh bán bánh cuốn, ông Phúc chạy xe ôm, ông Út bơm vá xe, bà Trang làm nội trợ, rồi chị Phượng phụ quán cơm… “Người ta giàu có làm từ thiện là chuyện bình thường, còn tụi tui toàn dân nghèo “thứ dữ” không hà, cũng biết làm từ thiện vậy”, ông Út cười hóm hỉnh chia sẻ bằng cái giọng đầy hào sảng của người Sài Gòn. Cứ khoảng 5 giờ sáng hàng ngày, ông Út ra đầu hẻm nhận lại chìa khóa tủ thuốc từ người trực ca đêm, rồi lui cui rửa bình trà để chuẩn bị pha trà. Một ngày mới của người đàn ông này bắt đầu bằng những công việc thiện nguyện, chủ yếu từ tấm lòng “giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Chỉ một chút những điều nho nhỏ vậy thôi, nhưng những người như ông Út cũng đã giúp cuộc sống xung quanh nhẹ nhàng hơn, đặc biệt với bà con lao động nghèo được sẻ chia bớt những nhọc nhằn trên đường mưu sinh.

Miễn phí cả dịch vụ mai táng

Tủ thuốc tuy nhỏ, chỉ vài loại thuốc cảm, ho, hay sốt thông thường, vài chai dầu gió và ít bông băng, thuốc sát trùng… vậy mà giúp được cũng không ít người. Theo ông Phúc (ngụ phường 2, quận Phú Nhuận) chạy xe ôm đầu hẻm: “Hẻm 96 nằm đối diện chợ Phú Nhuận, xe cộ qua lại đông đúc nên thường xảy ra va quẹt hay tai nạn, nhiều khi mình sơ cứu, cầm máu liền tại chỗ rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện cũng đỡ cho người ta một chút”. Cũng nhiều trường hợp như vậy hoặc có người lao động mệt mỏi ghé qua uống ly trà đá rồi ngất xỉu tại chỗ vì say nắng và ông Phúc đã không biết bao lần chạy chuyến xe ôm miễn phí đưa bà con đến bệnh viện. Hỏi chuyện tiền nong hay tính công cán, ông Phúc chỉ cười: “Bữa nào gặp khách sang cho thêm tiền thì coi như mình lấy đó bù qua, chứ bà con lao động nghèo rồi mấy người già hay người bị thương sao mà nỡ lấy tiền”.

Ông Út cũng không câu nệ chuyện tiền công: “Thấy tụi sinh viên cũng như con cháu trong nhà, còn đi học thì tiền bạc gì nhiều, nên thôi bơm vá xe miễn phí luôn”. Một chút nho nhỏ vậy, nhưng nhiều người được san sẻ bớt chút khó khăn từ con hẻm này. Có lẽ cái tên hẻm “Ông Tiên” mà nhiều người vẫn gọi với nhau không ngoa một chút nào.

Tủ thuốc miễn phí đã có mặt hơn 10 năm ở con hẻm và tấm biểnvề dịch vụ trợ táng miễn phí dành cho người nghèo

Mỗi tháng, nhóm từ thiện trong con hẻm này lại gom góp quần áo cũ và nấu các suất ăn miễn phí để phát cho bà con. Những việc làm từ thiện đó cũng không còn xa lạ gì ở đất Sài thành này. Nhưng có lẽ điều lạ nhất ở con hẻm chính là dịch vụ mai táng miễn phí. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước tấm biển “Vạn Phúc - Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24 giờ; kể cả ngày lễ, tết và chủ nhật”.

Ông Út là người khởi xướng việc này và vận động bà con đóng góp mỗi khi có người mất. Người đàn ông 56 tuổi này cùng vợ là bà Trang thuê ngôi nhà nhỏ trong hẻm 96 để tiện việc giúp đỡ bà con. “Hồi trước, vợ chồng tôi sống cùng nhà em trai ở Hóc Môn, không tốn tiền thuê nhà nhưng đi lại khá xa. Có lần giữa đêm hôm, người ta gọi điện thoại nhờ giúp, do con họ mất nhưng nhà nghèo quá, nửa đêm tôi với vợ cũng phải chạy xuống. Giờ thuê luôn ở đây cho tiện”, ông Út bộc bạch. Và cũng vì “Nghĩa tử là nghĩa tận, giúp được cho ai thì hay người nấy”, ông Út không hề câu nệ chuyện người quen hay lạ. “Ai cần thì mình giúp, nếu họ không có gia đình, người thân thì mình lo luôn phần hỏa táng”. Cũng nhờ những tấm lòng như ông Út cùng nhóm từ thiện trong con hẻm này mà nhiều người được “an nghỉ” một cách đàng hoàng.

Và câu chuyện về những điều miễn phí ở thành phố này có lẽ vẫn còn nhiều. Cũng khó để trả lời một cách trọn vẹn nhất, vì sao nơi này có nhiều thứ miễn phí và nhiều tấm lòng thiện nguyện như ông Út hay như những người trong con hẻm 96. Chỉ một chút những sẻ chia nho nhỏ đó, cũng làm người ta thấy ấm lòng hơn để quên bớt nỗi nhọc nhằn trên đường mưu sinh và thêm yêu thành phố mang tên Bác Hồ nhộn nhịp, hiện đại nhưng vẫn giàu nghĩa tình, giàu những tấm lòng luôn chia sẻ.

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục