Còn nhiều dư địa cho hàng Việt

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề tại hội thảo “Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Những điều doanh nghiệp cần biết” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28-3.

Để tận dụng tốt lợi thế láng giềng, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nâng cao chất lượng và thay đổi phương thức xuất khẩu.

 Dung lượng thị trường rất lớn

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với 1,3 tỷ dân. Dự kiến trong 15 năm tới, các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt qua hàng chục tỷ USD. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc cho thấy, năm 2018, nước này nhập khẩu nông sản lên tới hơn 137 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu số lượng lớn như gạo hơn 3 triệu tấn, sắn lát gần 5 triệu tấn, thịt heo 1,2 triệu tấn, thịt bò 1 triệu tấn; thủy sản 14,8 tỷ USD, hoa quả tươi 8,4 tỷ USD, rau các loại hơn 830 triệu USD. Các con số này cho thấy, dung lượng thị trường và nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông thủy sản của Trung Quốc rất lớn. Điều này đã tạo ra lực hút và sự quan tâm của những quốc gia có thế mạnh sản xuất nông thủy sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong quan hệ kinh tế, Trung Quốc cũng xác định Việt Nam đã và đang là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng, các nhóm hàng của Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc như điện thoại di động và linh kiện, gạo, rau quả, cao su thiên nhiên, dầu thô, xi măng, clinker, thủy hải sản, hạt điều, hạt tiêu và cà phê… Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô thương mại giữa hai bên vẫn chưa tương xứng với thế mạnh về tiềm năng sẵn có.

Là một trong những DN có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho biết, ở nhóm mặt hàng trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hiện có xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây phục vụ cho người dân Trung Quốc còn rất lớn, do vậy các DN Việt Nam nên tìm hiểu kỹ các điều kiện nhập khẩu để tăng lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này. 
 
Ở nhóm mặt hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc nổi lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, nhu cầu đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng thêm 14%, khối lượng nhập khẩu đạt từ 2,8 - 3 triệu tấn/năm. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng thủy sản của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gia tăng vì lo ngại về an toàn thực phẩm (ATTP) của sản phẩm trong nước. Tầng lớp này ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt tự nhiên.

Thủy sản, mặt hàng nhiều thuận lợi xuất khẩu sang Trung Quốc
             Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ 1,2 - 1,3 tỷ USD thủy sản, là nguồn cung lớn thứ 3 của Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, đồng thời có mức tăng trưởng ổn định trong nhiều năm trở lại đây.


Phải thay đổi phương thức xuất khẩu

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ xuất khẩu chưa tương xứng với quan hệ ngoại giao của 2 nước là do chúng ta thường chỉ xuất khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch, biên mậu không chính thức qua các cửa khẩu trên đất liền. Hình thức thương mại này mang lại nhiều rủi ro về mặt thanh toán cũng như khó kiểm soát về chất lượng, số lượng hàng hóa.

Thêm vào đó, các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn chưa chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối chính thức của nước này. Gần đây, Trung Quốc có chính sách siết chặt ATTP và cương quyết yêu cầu các DN thực hiện nhập khẩu chính ngạch.

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, DN xuất khẩu Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Không nên xem Trung Quốc là thị trường “dễ tính” mà cần có sự đầu tư nghiêm túc để nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc về bao bì đóng gói, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ông Trương Đình Hòe nhìn nhận, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra ATTP và thương mại tiểu ngạch là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch, từ đó giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường.

Hiện xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phía Nam Việt Nam đi Trung Quốc ngày càng thuận lợi hơn với chi phí rẻ hơn trước. Đây sẽ là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các TP lớn của Trung Quốc.

Để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, ông Trương Đình Hòe kiến nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Thực tế có tới 80% thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, biên mậu, không cần xin chứng thư chất lượng dễ tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như làm xấu đi hình ảnh của thủy sản Việt Nam.

Mới đây, tại Diễn đàn xuất khẩu thị trường ASEAN và Trung Quốc do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức, ông Ngô Tuấn, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cần phát huy vai trò dẫn dắt của các ban ngành Chính phủ, thông qua việc nghiên cứu khảo sát nắm rõ tình hình và xu hướng thay đổi của thị trường tiêu dùng để xây dựng chính sách chỉ đạo và hướng dẫn. Cần quan tâm theo dõi về nhu cầu tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp chứ không phải bán cái DN có sẵn. Với các DN Việt Nam, cần tăng cường việc quảng bá và marketing.
 
Việt Nam là quốc gia quan trọng của cộng đồng ASEAN, các sản phẩm phong phú và có chất lượng tốt. Do vậy, DN cần chủ động quảng bá ra thị trường Trung Quốc qua những sự kiện quan trọng, có nhiều khách hàng tham dự như Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Canton Fair, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc… Ngoài ra, các DN cần đầu tư ra nước ngoài và chủ động mời đối tác vào để cùng hợp tác với nhau, từ đó nâng cao thị phần. Điều quan trọng là cần đầu tư để nâng cấp và ổn định về chất lượng, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng và ATTP để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Tăng cường đầu tư vào hệ thống kho bãi và hậu cần để việc phát triển luồng hàng hóa được nhanh chóng, đảm bảo về chất lượng. 

Theo lời khuyên của ông Ngô Tuấn, tất cả các DN và cá nhân không nên sản xuất và bán các sản phẩm chất lượng kém vì lợi ích trước mắt, nên có tầm nhìn lâu dài và bảo vệ uy tín chung của ngành và các sản phẩm Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục