Còn sớm để lo ngại doanh nghiệp “chết” nhiều hơn “sinh”

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 16.848 doanh nghiệp chờ giải thể và đã giải thể. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ 15.979 doanh nghiệp. Hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước. Những số liệu nói trên được cơ quan thống kê quốc gia công bố gần đây về tình hình hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân đã khiến một số nhà quan sát kinh tế quan ngại.
Bà Nguyễn Minh Thảo
Bà Nguyễn Minh Thảo

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, là người theo dõi sát sao tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, bà có suy nghĩ gì về những số liệu trên?

>> Bà NGUYỄN MINH THẢO: Tôi cho rằng, nhìn vào số liệu thống kê của 2 tháng, mà lại trong khoảng nghỉ dài của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thì đưa ra nhận định lúc này là còn khá sớm. Mặt khác, việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay thậm chí giải thể cũng là câu chuyện tất yếu của thị trường. Trong số những doanh nghiệp giải thể, cũng có những doanh nghiệp chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh khác. Như tôi biết, có những doanh nghiệp chuyển trở lại kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh. Bên cạnh việc nhìn vào số liệu của cơ quan thống kê, chúng ta nên đồng thời nhìn vào những số liệu của cơ quan thuế thì đánh giá về môi trường kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ chính xác hơn. Tóm lại, tôi thấy chưa có lý do gì để lo ngại quá, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi sát tình hình.  

Nhìn lại năm 2018, năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (có trên 131.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới) thì con số tạm ngừng hoạt động cũng lớn: 91.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm 2017. Trong đó, có khoảng 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; trên 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Bên cạnh đó, cũng đã có trên 16.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như: doanh nghiệp chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường; những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản; năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp; môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản… 

- Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2019 phần lớn là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng và tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, xây dựng. Bà có bình luận gì về điều này? 

Đúng là theo thống kê, đa số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là các doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm doanh nghiệp có tính linh hoạt rất cao nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và cũng là khu vực có thể dễ dàng chuyển hướng kinh doanh khi gặp khó khăn. Qua các số liệu cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh một cách truyền thống vẫn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều này diễn ra không chỉ riêng năm 2019 mà trong bất cứ giai đoạn nào, muốn cho doanh nghiệp hoạt động tốt, phát triển bền vững thì đều phải rà soát lại các quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh nói chung cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tôi vẫn thiên về cách thức quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với đầu ra của sản phẩm hơn là siết chặt đầu vào. Các doanh nghiệp lớn có thể có sẵn đội ngũ cán bộ pháp chế hoặc dễ dàng đi thuê luật sư, nhưng doanh nghiệp nhỏ thì rất ít khả năng làm việc đó. Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực vươn lên, thường xuyên cập nhật thông tin, cải thiện năng lực của mình, tìm kiếm các lĩnh vực phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao chứ đừng trông chờ Nhà nước làm việc đó.

- Bà có thể nêu cụ thể hơn những khuyến nghị cho năm 2019 và những năm trước mắt?

Năm 2019, cùng với đà phát triển vũ bão của công nghệ, những doanh nghiệp có nỗ lực tìm hiểu, áp dụng công nghệ 4.0 vào công việc kinh doanh có thể nhận được những “phần thưởng” xứng đáng. Nhưng sự đột phá của công nghệ vào thị trường cũng tạo ra những áp lực cạnh tranh mới, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh truyền thống. Những doanh nghiệp không kịp thời thích ứng rất có thể phải rời khỏi thị trường. Đương nhiên là chính sách của Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, nhưng qua theo dõi doanh nghiệp, tôi thấy cũng có trường hợp doanh nghiệp không cập nhật kịp thời chính sách. Như trong lĩnh vực bảo hiểm, có rất nhiều cải cách trong hệ thống pháp lý, nhưng khi trao đổi, tôi vỡ lẽ ra là những doanh nghiệp chưa biết và vẫn rất ngại ngần.

- Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp thì “bé lại”, quay về hộ kinh doanh như hiện nay, bà có cho rằng quy định để chuyển đổi tất cả các hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp là hợp lý?

Thực tế, có nhiều hộ kinh doanh “mạnh khỏe” hơn cả doanh nghiệp, cả về tiềm lực tài chính lẫn năng lực kinh doanh. Tuy nhiên, điều họ ngại chuyển thành doanh nghiệp là vì “sợ” phải chịu sự điều chỉnh của một số quy định chặt chẽ hơn về thuế, thủ tục tài chính…, chưa kể những chi phí không chính thức cũng tăng lên. Tôi ủng hộ đề xuất chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp bởi về lâu về dài sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong môi trường kinh doanh. Nhưng cơ chế chuyển đổi phải có sự phân biệt rõ ràng về quy mô, có lộ trình hợp lý và thủ tục đăng ký cũng như các quy định nhằm quản lý doanh nghiệp trong suốt vòng đời của doanh nghiệp cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo thuận lợi hơn cho họ.

Tin cùng chuyên mục