Cơn sốt thời trang ngoại

Sau khi sale 50%, trung bình 1 chiếc áo thun có giá từ 250.000 - 500.000 đồng, quần jeans cũng ở mức 1 triệu - 1,3 triệu đồng/cái, nhưng vẫn có rất nhiều người mua.
Khách hàng mua sắm ở cửa hàng Zara tại TPHCM .Ảnh: MINH HUY
Khách hàng mua sắm ở cửa hàng Zara tại TPHCM .Ảnh: MINH HUY
Các trung tâm thương mại ở TPHCM đang vào mùa sale (giảm giá) hè, thu hút rất đông khách hàng trẻ. Tuy vậy, ghi nhận tại đây cho thấy, một lượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ và công chức văn phòng, chỉ tập trung vào những nhãn hiệu thời trang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là Zara, nhãn hiệu vừa chính thức có mặt tại Việt Nam cách đây không lâu.
Rồng rắn mua đồ hiệu 
Có mặt tại cửa hàng Zara vào tuần thứ ba của mùa sale, chúng tôi thấy lượng khách ở đây vẫn rất đông. Cửa hàng có diện tích gần 2.500m2 trải rộng 2 tầng lầu, hầu như lúc nào cũng tấp nập người ra vào.
Đặc biệt là trong hai ngày cuối tuần, cửa hàng luôn trong tình trạng nườm nượp khách, xếp hàng rồng rắn, từ khu vực thử đồ cho đến quầy tính tiền. Có đến 5 - 6 nhân viên phụ trách trong quầy tính tiền nhưng lúc nào dòng người cũng ùn ứ.
Nhân viên tại đây cho biết bình thường khách tại cửa hàng này cũng đã đông, nên vào mùa sale, việc xếp hàng rồng rắn chờ cả tiếng đồng hồ để thử đồ và trả tiền cũng không có gì lạ.
Cầm 3 giỏ đồ trong tay với khoảng gần 20 món hàng đang chờ trả tiền, chị Minh Nguyệt (ở quận 2) kể rằng đã ghé cửa hàng 2 lần, nhưng do cuối tuần trước khách hàng quá đông nên lần này trong ngày đi làm, chị tranh thủ giờ nghỉ trưa quay lại lựa đồ cho cả gia đình.
Chị Nguyệt cho biết thêm, trong những lần đi du lịch gần đây, có dịp so sánh giá của thương hiệu này ở Thái Lan, Singapore hay Malaysia thì giá của Zara ở Việt Nam thấp hơn 20% - 30%. Tương tự, bạn Uyên Nhi (du học sinh Úc về Việt Nam nghỉ hè) cho biết, ban đầu em chỉ đến để xem Zara Việt Nam thế nào, nhưng đã “cầm lòng không đậu” và mua đến 5 món hàng, vì giá ở Việt Nam khá “mềm” so với ở Úc.
Ngoài Zara, thương hiệu Gap tại trung tâm này cũng thu hút một lượng lớn khách đến mua sắm. Vì đang trong mùa sale nên áo quần tại đây không bày biện và treo trên móc như thường ngày, mà phần lớn đổ đống trên mặt bàn để khách lựa.
Sau khi sale 50%, trung bình 1 chiếc áo thun của thương hiệu này có giá từ 250.000 - 500.000 đồng, quần jeans cũng ở mức 1 triệu - 1,3 triệu đồng/cái, nhưng vẫn có rất nhiều người mua.
Giải mã “sức hút Zara”
Các thương hiệu thời trang nước ngoài được gọi là “đồ hiệu bình dân” như Mango (Tây Ban Nha), Gap (Mỹ), Warehouse, Oasis, Top Shop (Anh)… có mặt tại Việt Nam đã khá lâu. Thế nhưng, với danh tiếng đồ hiệu bình dân được ưa chuộng nhất, khi chính thức vào Việt Nam, Zara đã tạo ra một “cơn sốt” mua sắm mới trong giới trẻ Sài Gòn. Nhiều người đã không ngại xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để mua được những món đồ ưa thích của thương hiệu này. Thông tin từ Zara Việt Nam cho biết, kỷ lục doanh thu chỉ trong ngày đầu tiên mở bán lên đến 5,5 tỷ đồng. Con số đáng mơ ước của không chỉ các hãng thời trang trong nước mà cả những hãng thời trang nước ngoài có mặt tại Việt Nam. 
Theo đánh giá của một chuyên gia marketing, ở nước ngoài, Zara là một thương hiệu với các mức giá được đánh giá là “bình dân”; khi về Việt Nam, mức giá đó cũng tương đối phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Việt tại các thành phố lớn như TPHCM. Khảo sát “bỏ túi” từ các khách hàng có mặt tại cửa hàng này cho thấy, Zara đang rất được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích vì mẫu mã đa dạng, kiểu dáng phù hợp với đại bộ phận giới trẻ và khách hàng tầm trung, kèm giá cả hợp lý. Thêm nữa, thương hiệu này có những chính sách bán hàng rất mới so với những nhãn hiệu thời trang trong nước cũng như nhãn hiệu nước ngoài tại Việt Nam. Khảo sát cũng cho thấy, với mức trung bình khoảng 180.000 - 2,2 triệu đồng/sản phẩm, giá cả của Zara “mềm” hơn nhiều so với các thương hiệu thời trang Việt Nam.
Theo chị Hà Như, một “tín đồ thời trang” của Zara, tại Việt Nam, chỉ duy nhất thương hiệu Zara có chính sách cho đổi hàng lên đến 30 ngày, kể cả những sản phẩm giảm giá. Chị Như cho biết thêm, lý do Zara có sức hấp dẫn với giới trẻ vì mỗi sản phẩm chỉ được bày trên kệ từ 2 - 3 tuần với số lượng hạn chế. Nếu bán hết, sản phẩm đó sẽ không sản xuất lại và thay bằng các mẫu mã khác. “Cách bán hàng này tạo cho khách hàng tâm lý không mua nhanh sẽ hết sản phẩm mình thích nên mua liền và có thể đổi lại trong  một tháng sau đó. Hơn nữa, trung bình khoảng 2 - 3 tuần, Zara sẽ ra bộ sưu tập mới để kéo khách đến coi và mua hàng”, chị Như chia sẻ. Chị Nguyễn Ngọc, biên tập viên một tạp chí thời trang, nhận xét: “Zara vào Việt Nam trở thành một hiện tượng, tạo ra cơn sốt mua sắm trong giới trẻ là do đánh trúng sở thích sính ngoại của nhiều người. Cùng với đó, Zara cũng đã nắm bắt tâm lý khách hàng khi bày biện cửa hàng đẹp, sang trọng, tại một trong những trung tâm thương mại lớn nhất TPHCM, khách hàng có cảm giác “thượng lưu” khi mua sắm hàng hiệu bình dân” .
“Hiện tượng Zara” cho thấy lý do tại sao các hãng thời trang ngoại xem Việt Nam như một thị trường béo bở. Vẫn còn quá sớm để kết luận đây là tín hiệu tốt hay đáng lo ngại đối với thị trường thời trang trong nước. Tuy nhiên, với phản hồi tích cực trong mua sắm của giới trẻ Việt Nam từ Zara, các chuyên gia trong giới cho rằng, rất có thể đây sẽ là động lực để các thương hiệu thời trang lớn có giá bình dân tiếp tục vào Việt Nam trong tương lai. Điển hình, H&M - một thương hiệu quần áo bình dân nhưng có độ phổ biến toàn cầu - sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam vài ngày tới.

Tin cùng chuyên mục