Còn thương một tiếng sáo diều

Con nít ở ruộng, đứa nào lớn lên mà không có những ngày đầu trần chân đất tụm năm tụm bảy ngoài ruộng, hay í ới nhau ra tắm mưa rồi bắt mấy con ốc, con cá ngoài mương… 
Qua tết là mùa ruộng khô, bà con tranh thủ đốt mấy gốc rạ, mần cỏ, mưa xuống thì kêu máy cày, máy xới tới cho đất tơi, xốp. Cỡ cuối tháng 4 âm lịch, mùa gió nồm thổi thì trời bắt đầu mưa, lo vào vụ cấy, sạ… Mà đó là mấy chuyện của người lớn trong nhà, đám con nít “ăn chưa no, lo chưa tới” thì biết gì mà cấy lúa với gieo mạ, lúa giống để trong bồ chuột ăn còn không hay.
Tụi con nít chỉ chờ mùa ruộng khô gần cuối tháng ba, khi gió nồm bắt đầu thổi mạnh, đầu làng tới cuối xóm, đứa này rủ đứa kia ra ruộng thả diều. Thằng anh một tay cầm con diều, một tay dẫn theo thằng em, hay thằng em đi thả diều thì chị hai, chị ba phải đi theo coi chừng, kêu dìa ăn cơm chiều, không là nó mê diều mà quên đói luôn.
Cả đám tụm lại làm diều, đứa lớn chỉ đứa nhỏ, có khi ngồi chuốt nan tre, nan trúc không khéo đứt tay chảy máu, mà không dám khóc lớn sợ má rầy. Làm xong phải đem thả thử coi nó có bọc gió không, đặng còn sửa lại rồi trang trí thêm, công phu lắm chứ bộ. Có đứa còn viết lên đó mơ ước làm cô giáo, bác sĩ, kỹ sư… Rồi tụi nó đồn với nhau là diều bay lên càng cao, ước mơ càng dễ thành.
Còn thương một tiếng sáo diều ảnh 1 Minh họa: P.S
Qua tết là chồng báo cũ của tía bắt đầu có… giá trị, xé mớ giấy báo cũ đó mà dán diều. Đứa nào chịu chơi hơn thì nhịn ăn hàng mấy bữa để tiền mua giấy màu, giấy bóng, dán diều cho oách. Có đứa còn bày đặt gắn sáo vào diều, để diều bay lên nghe tiếng sáo vi vu vọng lại, cái này phải nhờ chú Năm trong xóm chỉ cho làm mới thả được diều lên mà còn nghe tiếng sáo.
Tụi nhỏ tài lanh, thấy chú Năm làm thì bắt chước, có đứa gắn bộ sáo vào nặng quá, diều không bay lên nổi. Thằng Tí lanh chanh mà còn hay khoe, con diều của nó bay lên được mà không nghe tiếng sáo nào phát ra hết trơn. Cả đám xúm lại ghẹo là con diều điếc mà cũng khoe, vậy là nó giận đỏ mặt bỏ về luôn, bữa sau đem con diều dán giấy bóng màu vàng thiệt là nổi ra thả để lấy le lại cái vụ bị chọc quê hôm qua. 
Còn đứa nào xéo xắt thì hay cưa diều của đứa khác, ráng nhịn ăn hàng mấy bữa để tiền mua ống nhợi chắc một chút. Thả diều lên cao rồi kéo qua kéo lại cho nó vướng vào diều đứa kia, nhanh tay cuộn dây lại, vì ống nhợi chắc nên con diều kéo về luôn cả con diều của đứa vướng vào. Đứa mất diều khóc um sùm, chạy về méc má nó, rồi chạy qua nhà mắng vốn… 
Đô thị hóa tràn về quê. Đám ruộng, bờ đê, hàng khuynh diệp, bạch đàn, cây tràm… mà chiều nào thả diều cũng phải né tụi nó ra, vì sợ diều vướng dây, giờ cũng đâu còn mà tránh, mà né. Tụi nhỏ cũng bận bịu với mấy trò chơi công nghệ, đâu đứa nào chịu ngồi đó mà chuốt tre làm diều cho chảy máu tay.
Diều bây giờ muốn thả cũng đâu cần phải ngồi đó tỉ mỉ dán giấy nữa, vài chục ngàn đồng là có ngay, ra mấy khu “đồng diều” như quận 7, quận 2, Thủ Đức… là diều cá mập, bươm bướm, đại bàng… bay rợp trời. Kiếm một con diều thủ công bằng giấy báo cũ, giấy màu… đỏ con mắt cũng không thấy.
Nhiều khi thả diều lên chỉ để coi con diều của ai bự hơn, đứa con nít đi thả diều thì có một người lớn đi theo (có khi là hai). Rồi hai người yêu nhau cũng đi thả diều, hai ông bà trung niên cũng thả diều, nhiều khi cũng thấy ngạc nhiên, trò thả diều ngày đó chỉ có đám con nít, bây giờ thì lớn, nhỏ, đủ mọi lứa tuổi cũng đi thả diều. Mấy bữa đông người đi thả, diều vướng dây… lời qua tiếng lại cự cãi um sùm, tới mùa thả diều là dân phòng phải ra bãi ngồi sẵn.
Mấy ông tiếp thị cũng đâu bỏ qua mùa diều, thực phẩm ăn, uống gì liên quan đến con nít hay người lớn cũng mang đầy ra mấy bãi thả diều tiếp thị… Có người mang con diều thiệt to, gắn sẵn bộ pin và đèn chớp tắt, loay hoay mãi diều mới bay lên được, vì bộ pin và đèn quá nặng. Diều bay lên được rồi thì đèn chớp lên cũng không ai thấy rõ là đèn màu gì, vì trời còn nắng.
Cuối cùng, công sức sáng tạo cũng được đền bù lại, trời nhá nhem tối, mọi người ra về gần hết, một góc của bãi thả diều, con diều đại bàng chao qua chao lại, nháy đèn xanh, đỏ liên tục, khiến người ta ngoái lại dòm một chút. 
Chợt thấy mùa diều của người đô thị hôm nay sao tẻ nhạt quá, cái trò thả diều của trẻ con cũng bị gánh nặng công nghệ, tiếp thị… làm cho phù phiếm. Chợt nhớ da diết con diều dán giấy bóng màu vàng mà thằng Tí phải nhịn ăn sáng cả tuần lễ để dành làm cho thiệt oách.
Ngày đó con diều của thằng Tí là oai nhất xóm rồi. So với bây giờ thì nó còn thua xa về độ bóng bẩy, nhưng chắc chắn nó sẽ là con diều bay cao nhất bởi không bị gánh nặng công nghệ, không băng rôn tiếp thị… và bởi thằng Tí lanh chanh được cái tài thả diều.
Nhìn mấy cánh diều gánh nặng công nghệ hôm nay, càng thấy thương, thấy nhớ tiếng sáo diều nhà quê mộc mạc ngày ấy. Con diều chở tiếng sáo, chở mơ ước và chở cả một thời tuổi thơ.

Tin cùng chuyên mục