Còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật

Chiều 18-9, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Cơ quan thẩm tra ghi nhận, trong giai đoạn 2014-2016, triển khai thi hành Hiến pháp, một số lượng lớn các luật đã được Chính phủ xây dựng trình Quốc hội ban hành, hệ thống pháp luật cơ bản đã được rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm vụ xây dựng pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp tiếp tục được Chính phủ quan tâm, tập trung vào các quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, qua theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cho thấy, còn nhiều vấn đề cần được Chính phủ lưu ý, rút kinh nghiệm như tình trạng thường xuyên không thực hiện đúng, không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; vẫn còn  hiện tượng dự án luật trình đã được Quốc hội cho ý kiến, nhưng cơ quan soạn thảo chưa dự tính được hết các tác động nếu được thông qua, chưa thống nhất được các quy định và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan...

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết mặc dù đã giảm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để, cá biệt có những văn bản còn nợ đọng từ năm 2013 ; có văn bản được ban hành chậm 2 - 2,5 năm.

 Tình trạng văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày vẫn còn nhiều, song theo Báo cáo của Chính phủ, việc xử lý đối với các văn bản này còn rất ít, mới chỉ có 1/31 văn bản quy định chi tiết của Bộ, cơ quan ngang Bộ được sửa đổi sau khi phát hiện có nội dung trái pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ xác định một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản là “Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu sự định hướng cụ thể về chính sách…”, nhưng Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là chất lượng soạn thảo văn bản. Do đây là những vấn đề mới, khó, phức tạp nên bản thân cơ quan soạn thảo cũng còn băn khoăn chưa biết dự thảo các nội dung đó trong luật như thế nào, vì vậy thường đề nghị chưa quy định cụ thể ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết mà giao lại Chính phủ, các Bộ, ngành quy định chi tiết. Bên cạnh đó, một số vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thảo luận tại Quốc hội nhưng chưa dự tính được khả năng khó khăn quy định chi tiết nên khó thực hiện trên thực tế.

Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân chủ quan của tình trạng nợ đọng văn bản là do việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản ở một số nơi còn chưa nghiêm, có tình trạng luật, pháp lệnh đã được ban hành, nhưng các cơ quan vẫn lúng túng trong việc rà soát xác định các nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.

Để khắc phục các tình trạng nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương hoàn tất việc rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 19 dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, một số luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lao động thuộc danh mục ban hành để thi hành Hiến pháp hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục này cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Về thực thi pháp luật, ông Nguyễn Khắc Định nêu nhận định, tình hình vi phạm pháp luật, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục; thậm chí một số vụ việc có xu hướng nghiêm trọng hơn; nhiều vụ án lớn đang được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tai nạn giao thông, cháy nổ, khai thác tài nguyên trái phép vi phạm quản lý đất đai, xây dựng, công chức, công vụ, tỷ lệ thương vong ở mức cao; hiện tượng buôn lậu, buôn thuốc tân dược giả, không công bố dịch theo quy định hoặc lợi dụng quy định của bảo hiểm y tế để trục lợi,... cũng là những tồn tại, hạn chế trong thi hành pháp luật đang diễn ra, gây nhiều nhức nhối trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục