Công an đừng vô cảm trước nỗi bất an của dân

Với vẻ mặt đầy khó chịu, anh Công nói với tôi khá gay gắt: “Nếu vậy thì sự việc lại khác! Chị bị trộm chứ không phải cướp”. Sau khi khẳng định khái niệm giữa trộm và cướp, anh Công hỏi tiếp rằng iPad bị trộm của ai. Tôi trả lời là của ba tôi, thì anh nói: “Vậy thì chị làm tờ khai bị trộm giỏ, còn ba chị làm tờ khai bị trộm iPad”. 
Tối 7-5-2018, trong chớp mắt, khi mẹ tôi mở cửa đi ra ngoài, chồng tôi quay lưng vào bếp, con gái tôi còn đang ngồi ở phòng khách, tên trộm đã thản nhiên vào nhà lấy đi iPad và giỏ xách của tôi (với toàn bộ giấy tờ tùy thân, tiền bạc, 3 cái thẻ ngân hàng...). Khi chồng tôi quay ra, còn thấy tên trộm đang đi thật nhanh ra cổng. Chồng tôi vội đuổi theo nhưng không kịp, tên trộm đã có đồng bọn chờ sẵn, lên xe chạy mất. 
Cách nay khoảng 1 năm, nhà tôi cũng từng bị trộm xông vào lấy iPad khi đang có người ở nhà. 
Cũng tại căn nhà này, cách nay 5 năm, một buổi trưa, tôi đã mất 1 chiếc xe máy khi dựng xe trước cửa, có khóa cổ xe, trong cốp xe cũng có giỏ xách, tiền bạc và giấy tờ tùy thân của tôi. Tôi chỉ định bước vào nhà lấy đồ rồi đi công việc ngay nên đã không dắt xe vào nhà. 
Sáng 8-5-2018, tôi đến trụ sở Công an phường 4 quận Phú Nhuận (TPHCM) để đưa đơn cớ mất, với đề nghị được xác nhận để làm lại giấy tờ tùy thân, chứ không hy vọng gì việc thu hồi được tài sản bị mất. Tiếp tôi là một anh công an còn khá trẻ. Anh tỏ vẻ thông cảm vì sự lộng hành của bọn trộm cướp và chia sẻ: “Đã có lần có kẻ ngáo đá cầm hung khí xông vào trụ sở này, đuổi tụi anh ra vì cho rằng đây là nhà hắn”. Anh này không kể tiếp câu chuyện các anh đã xử lý ra sao với đối tượng ngáo đá, mà nói tôi gặp trực tiếp cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nhà tôi - tên Công. 
Anh Công, cảnh sát khu vực, khoảng ngoài 50 tuổi, sau khi nghe tôi tường trình về vụ mất iPad và giỏ xách, liền hỏi ngay: “Là cướp hay trộm”. Tôi trả lời: “Hắn xông vào nhà khi chúng tôi có ở nhà và nhìn thấy hắn”. Đọc sơ qua tờ khai của tôi, anh Công bảo tôi phải khai lại. Theo anh, tôi cần khai là bị giật giỏ xách khi đi đường. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe nói vậy và trả lời: “Không, rõ ràng là tôi bị kẻ gian lấy iPad và giỏ xách tại nhà, sao lại nói là ngoài đường”.
Với vẻ mặt đầy khó chịu, anh Công nói với tôi khá gay gắt: “Nếu vậy thì sự việc lại khác! Chị bị trộm chứ không phải cướp”. Sau khi khẳng định khái niệm giữa trộm và cướp, anh Công hỏi tiếp rằng iPad bị trộm của ai. Tôi trả lời là của ba tôi, thì anh nói: “Vậy thì chị làm tờ khai bị trộm giỏ, còn ba chị làm tờ khai bị trộm iPad”. 
Một cảm giác vô cùng thất vọng dâng lên trong tôi. Vì chạy theo thành tích, né trách nhiệm, người ta làm khó dân để không phải báo cáo thừa nhận tình trạng bất an đang xảy ra trên địa bàn. Tôi đem chuyện này kể với cô C. - phụ trách tổ dân phố khu nhà tôi. Cô C. ngán ngẩm cho biết: “Cách đây chục ngày, một người trong xóm này cũng bị trộm xông vào nhà lấy đi giỏ xách trước mắt cậu con trai nhỏ. Những ngày vừa qua, đường hẻm bị xe tải vô đậu chắn lối đi, tôi cũng gọi điện trực tiếp cho anh Công để báo, nhưng anh Công trả lời rằng không giải quyết được”. 
Nhà em gái tôi chỉ cách vài căn cũng đã 2 lần bị đối tượng xấu trèo vào nhà trộm đồ và lẻn vào lấy trộm giỏ xách. Một vài hàng xóm xung quanh cũng cảnh báo gần đây có một số đối tượng lạ mặt thường xuyên lảng vảng trong khu này. Chúng tôi cũng chỉ biết bảo nhau, tự mình phải đề cao cảnh giác hơn nữa, chứ không thể trông chờ vào sự bảo vệ của công an phường. Tôi xin góp ý thẳng thắn và chân thành: Xin đừng vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những xui rủi, bất an của người dân.

Tin cùng chuyên mục