Công bằng trong thu phí

Tại kỳ họp chuyên đề ngày hôm nay 30-12, HĐND TPHCM sẽ xét tờ trình của UBND TPHCM về đề án tổ chức thu phí sử dụng đường bộ (PSDĐB) đối với các chủ phương tiện mô tô trên địa bàn.

Tại kỳ họp chuyên đề ngày hôm nay 30-12, HĐND TPHCM sẽ xét tờ trình của UBND TPHCM về đề án tổ chức thu phí sử dụng đường bộ (PSDĐB) đối với các chủ phương tiện mô tô trên địa bàn.

Vấn đề này được dư luận quan tâm, vì liên quan đến đông đảo người dân. PSDĐB là nguồn thu để đầu tư nâng cấp hệ thống cầu đường giao thông phục vụ nhu cầu của người dân. Lâu nay, việc thu PSDĐB đã được thực hiện đối với các chủ phương tiện ô tô, thu tại cơ quan đăng kiểm, do vậy công tác quản lý thu và nộp phí triệt để và hiệu quả. Nay, khi triển khai việc quản lý thu PSDĐB đối với các chủ phương tiện mô tô, xe máy thì không đơn giản như vậy được, do mô tô, xe máy không phải đăng kiểm hàng năm.

Trước đây, tại kỳ họp 16, các đại biểu HĐND TPHCM chưa thông qua đề án tổ chức thu PSDĐB mô tô, xe máy, vì còn băn khoăn về cách tổ chức thu chưa đảm bảo khả thi. Thực tế triển khai việc thu PSDĐB mô tô, xe máy tại các TP lớn khác trong nước cho thấy chưa có địa phương nào thu đủ như dự kiến, chỉ đạt 30% - 50%. Do vậy, HĐND TP đã yêu cầu UBND TP cần phải bổ sung đề án 3 vấn đề: phương pháp thu phí, chế tài và an toàn quỹ. Theo yêu cầu đó, lần này đề án được UBND TP xây dựng lại chặt chẽ hơn về mức thu, đối tượng thu và miễn thu, phương thức thu, quản lý và sử dụng phí, các biện pháp chế tài và biện pháp để nâng tính khả thi.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND TPHCM đưa ra phương án giao UBND cấp các phường - xã trực tiếp đứng ra thu PSDĐB mô tô, xe máy. Theo đó, cấp phường - xã sẽ đến từng hộ dân đề nghị kê khai số xe để làm cơ sở yêu cầu đóng phí. Hiện nay, UBND phường - xã được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo địa bàn quản lý, do vậy khi giao đội ngũ này thu PSDĐB mô tô, xe máy sẽ không phải tăng thêm nhân sự. Số phí thu được sẽ trích lại 10% cho phường và 20% cho xã để chi cho việc tổ chức thu phí; phần còn lại TP sẽ để lại một phần cho UBND quận - huyện để chi cho công tác bảo trì hệ thống cầu và đường bộ trên địa bàn.

Lần trước, khi thảo luận đề án thu PSDĐB mô tô, xe máy, HĐND TPHCM đã xác định đây là việc cần thực hiện nghiêm túc theo quy định chung, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho khoa học, bảo đảm thu đúng, thu đủ, công bằng, chặt chẽ và minh bạch. Do vậy, việc không làm phình thêm bộ máy nhân sự cấp phường - xã, tiết kiệm chi phí nuôi bộ máy thu phí được xem là phương án hợp lý. Vấn đề cần tính tiếp là làm cách nào để người dân đỡ phiền hà khi đóng phí. Theo đề án của UBND TP trình lần này, người nộp phí sẽ đến UBND phường - xã nộp phí. Với 3 mức thu PSDĐB mô tô, xe máy (tùy theo dung tích xy lanh) 50.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng/xe/năm, không phải là khoản thu lớn đến mức yêu cầu người dân phải đến trụ sở UBND phường - xã làm thủ tục nộp phiền phức, thiết nghĩ nên giao nhân viên làm nhiệm vụ thu thuế của phường - xã lần lượt đến từng tổ dân phố để thu.

Một vấn đề dư luận rất quan tâm là bảo đảm sự nghiêm túc và công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng phí. Điều 6 Thông tư 186/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định hành vi vi phạm về nộp phí, lệ phí sẽ bị “Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng”. Song UBND TP đưa ra đề án với biện pháp chế tài là Thông tư 186 thì chưa đủ. Bởi thực tế cho thấy đã có rất nhiều thông tư có quy định hình thức chế tài đối với các trường hợp vi phạm, nhưng lại không có nhân sự làm nhiệm vụ kiểm tra, xử phạt. Do vậy, khi UBND TP dự kiến giao UBND phường - xã kiểm tra việc chấp hành đóng PSDĐB, cần phải tính kỹ cách thức kiểm tra thế nào vừa đúng chức năng quyền hạn, đúng pháp luật, vừa không gây phiền nhiễu người dân và không gây thêm sự quá tải cho công việc của chính quyền cấp cơ sở.

Đề án của UBND TP có chú ý vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền vận động người sử dụng mô tô, xe máy nắm rõ các quy định pháp luật về PSDĐB để thực hiện đúng pháp luật và tránh việc bị xử phạt hành chính. Song bên cạnh đó, rất cần tăng sức thuyết phục người dân, theo như quan điểm của HĐND TP: Dịch vụ phải tương xứng với mức phí mà người sử dụng dịch vụ phải trả. Nên công khai và có sự giám sát của người dân địa phương về khoản thu phí, việc sử dụng nguồn thu để đầu tư nâng cấp hệ thống cầu đường giao thông phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Có như vậy thì người dân sẽ vui lòng, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đóng phí. Đừng để người dân phải thắc mắc vì sao đã thu PSDĐB nhưng vẫn để tình trạng cầu đường xuống cấp tệ hại.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục