Công bố kết quả xét tặng NSND, NSƯT: Sẽ không xét lại với các trường hợp khiếu kiện

Việc người được hay không được là chuyện bình thường khi xét tặng. Hội đồng chỉ họp lại trong trường hợp hội đồng có sai phạm nghiêm trọng trong xét tặng. Không phải vì trường hợp A hay B không đạt đủ số phiếu mà hội đồng phải họp để xét lại. Sẽ không xét lại với các trường hợp khiếu kiện.

Ngày 2-7, Bộ VH-TT-DL công bố kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 - năm 2018 tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Theo đó, có 77/105 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 303/359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, đạt được trên 90% số phiếu đồng ý từ thành viên hội đồng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, xung quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Với con số được công bố hôm nay, liệu số hồ sơ từ hội đồng cơ sở bị xét loại có phải là hơi nhiều không, thưa ông?

* Ông PHÙNG HUY CẨN: Tôi không nghĩ như vậy, những lần trước, số hồ sơ được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua cũng tương tự. Trước khi họp hội đồng, một số người cảnh báo chúng tôi xung quanh những “lùm xùm” quanh việc xét tặng GS-PGS vừa qua. Tuy nhiên, theo hồ sơ gốc trong 3 đợt xét tặng gần đây, số lượng xét tặng không biến động nhiều. Việc loại nhiều hay ít hồ sơ hoàn toàn do số phiếu của hội đồng xem xét, quyết định.

Hồ sơ được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là của các nghệ sĩ có tuổi đời từ 70 trở lên. Sau đó được xếp theo thứ tự người có số lượng huy chương cao nhất tới người có huy chương thấp nhất và cuối cùng là các hồ sơ thiếu A, B, C… Tất cả hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do 48 hội đồng cấp bộ, tỉnh gửi lên, chúng tôi đều trình đầy đủ lên hội đồng. Chúng tôi không có quyền gạt bất cứ hồ sơ nào.

* Có một số ý kiến cho rằng, số lượng hồ sơ xét tặng danh hiệu của các nghệ sĩ phía Nam bị “rớt” hơi nhiều. Phải chăng do khoảng cách địa lý hay do cơ cấu đại diện của các nghệ sĩ phía Nam có mặt trong hội đồng chưa đủ mạnh nên ảnh hưởng tới kết quả?

* Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước ngoài đảm bảo về mặt chuyên môn thì còn phải đáp ứng cơ cấu về tính vùng miền. Vì vậy, trong thành phần 5 hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, ngoài các cơ cấu bắt buộc thì luôn có đại diện của các nghệ sĩ khu vực miền Bắc, Trung, Tây Nguyên, Nam để mọi bộ môn nghệ thuật, mọi nghệ sĩ vùng miền đều có tiếng nói trong quá trình xét tặng.

Thực tế, các thành viên trong hội đồng không quan tâm quá tới chuyện vùng miền. Còn nếu nói khoảng cách địa lý là yếu tố cản trở sự lan tỏa của các môn nghệ thuật có tính đặc thù vùng miền thì rất khó để phân định. Đúng là không thể khẳng định ai cũng có thể biết rành rõ mọi môn nghệ thuật. Song theo quy trình, mỗi hồ sơ được chủ tịch hội đồng đưa ra đều được các thành viên bàn luận, bảo vệ, phản biện công khai trước khi bỏ phiếu đưa ra quyết định cuối cùng.

* Có hồ sơ nào bị “để lại” trong lần xét tặng này là do khiếu kiện không?

* Những trường hợp không được xét tặng trong lần này đều do không đạt đủ 90% số phiếu của hội đồng.

* Khi danh sách vượt qua vòng xét tặng NSND, NSƯT của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước được công bố mà xảy ra khiếu kiện thì hội đồng có họp để xét lại không?

* Việc người được hay không được là chuyện bình thường khi xét tặng. Hội đồng chỉ họp lại trong trường hợp hội đồng có sai phạm nghiêm trọng trong xét tặng. Không phải vì trường hợp A hay B không đạt đủ số phiếu mà hội đồng phải họp để xét lại. Sẽ không xét lại với các trường hợp khiếu kiện.

Theo đúng quy trình, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ gửi danh sách các nghệ sĩ được xét tặng và không được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong đợt này tới Hội đồng cấp cơ sở. Trong thời gian lấy ý kiến, hội đồng sẽ tiếp nhận những phản hồi từ các nghệ sĩ chưa được xét tặng và sẽ có giải thích, trả lời cụ thể với từng trường hợp.

Theo danh sách NSND được đưa ra có nhiều tên tuổi nghệ sĩ được yêu mến. Lĩnh vực âm nhạc có NSƯT Phó Thị Đức (Kim Đức), NSƯT Bùi Thanh Hải, NSƯT Tô Lan Phương…; lĩnh vực điện ảnh có NSƯT Bùi Cường, NSƯT Trần Mạnh Cường, NSƯT Nguyễn Dân Nam, NSƯT Đường Tuấn Ba…; lĩnh vực phát thanh - truyền hình có NSƯT Nguyễn Trọng Trinh, NSƯT Lê Thị Bằng Hương (Việt Hương)…; lĩnh vực sân khấu có NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Thoại Miêu, NSƯT Tống Toàn Thắng, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Công Lý…

Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT-DL từ 3-7 đến hết ngày 11-7 để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định.

Tin cùng chuyên mục