Công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh

Thống kê từ nhóm khảo sát của Trường ĐH Ngoại thương cho thấy, tính đến năm 2017, trong các cơ sở giáo dục đại học có 945 nhóm nghiên cứu. Số lượng các công bố, đặc biệt là công bố quốc tế và ảnh hưởng khoa học thể hiện qua mức độ được trích dẫn tăng mạnh, góp phần cải thiện vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế. 

Thực tế cho thấy, trước khi có Nghị quyết 29, tổng số công bố quốc tế của cả nước rất khiêm tốn, cả nước chỉ có 2.309 bài báo quốc tế. Sau Nghị quyết 29, tính từ năm 2017 đến tháng 6-2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam đã đạt đến 10.515 bài, bằng tổng số công bố của cả nước trong giai đoạn từ 2011-2015. 

Thống kê cũng cho thấy ngành giáo dục đang sở hữu một lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao so với các ngành khác của cả nước (chiếm hơn 50%) với nguồn nhân lực chất lượng cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) hơn hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ. Các nhà khoa học trong ngành giáo dục đã có nhiều đóng góp cho phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội, đạt nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. 

Điều đáng mừng là Việt Nam được xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục trong báo cáo GII năm 2018. Đây có thể coi là thành công bước đầu của toàn ngành giáo dục sau Nghị quyết 29. Thành tựu hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được cải thiện từ sau Nghị quyết 29.

Tin cùng chuyên mục