Cồng kềnh, kém hiệu quả

Theo số liệu khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng, hệ thống chính quyền ở một số địa phương thì TPHCM có 1 huyện và 2 xã, phường xảy ra nhiều bất hợp lý về biên chế, tổ chức.

Đơn cử, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) từ xã đến ấp và tổ nhân dân có đến 890 người hưởng trợ cấp mỗi tháng các chức danh không chuyên trách. Bình quân, mức trợ cấp được hưởng của một người là 200.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng ngân sách nhà nước phải chi trả gần 200 triệu đồng và một năm sẽ hơn 2 tỷ đồng.

Thực trạng chung ở nhiều địa phương cũng cho thấy những bất hợp lý trong bộ máy tổ chức cấp cơ sở. Nhiều công việc ở tổ nhân dân, ấp, khu phố thay vì để người dân tự quản hay tự huy động các nguồn lực trong dân để chăm lo, phục vụ lại lợi ích cho họ thì Nhà nước lại “ôm” và chi trả trợ cấp, kinh phí để duy trì hoạt động. Ở cấp ấp, khu phố, dù không là cấp hành chính nhưng bộ máy tổ chức, cơ chế, hệ thống chính trị, nhân sự được tính y nguyên như cấp xã, theo kiểu… trên có sao, dưới có vậy. Bộ máy tổ chức ở cấp này có đến hơn 10 tổ chức gồm: cấp ủy chi bộ (nơi đông đảng viên thì có Đảng bộ bộ phận), ban điều hành khu phố, ấp, chi đoàn TNCS, hội thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, chữ thập đỏ, hội khuyến học… Dưới khu phố, ấp còn có từ 15 - 20 tổ dân phố, tổ nhân dân. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng và từ 1 - 2 tổ phó. Tất cả các chức danh này hàng tháng đều được hưởng trợ cấp, mức thấp nhất là 168.000 đồng/ người.

Lực lượng đông như vậy nhưng trong thực tế, có nhiều vụ việc về tội phạm hình sự, trật tự xây dựng… xảy ra tại địa bàn khu phố, ấp thì không ai biết và cũng không có ai chịu trách nhiệm. Điển hình như tại xã Vĩnh Lộc A, nhiều năm qua nơi đây là địa bàn phức tạp về tình trạng chuyển nhượng đất đai, xây dựng trái phép, thế nhưng cả bộ máy đông đến gần 1.000 người mà không ai bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Xã Vĩnh Lộc A, nhiều năm qua là địa bàn phức tạp về tình trạng chuyển nhượng đất đai

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền các cấp: Nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo như bí thư cấp ủy kiêm người đứng đầu cơ quan hành chính, hoặc một chức danh đảm nhận nhiều công việc, một cơ quan giao nhiều việc. Ở cấp khu phố, thôn và các tổ nhân dân, thay vì trả phụ cấp hàng tháng theo chức danh công việc đảm nhận thì trả thù lao và chi phí hoạt động khi được giao thực hiện công việc nào đó. Với cách làm này của tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm ngân sách nhà nước đã không phải chi trả trợ cấp cho khoảng hơn 17.000 người; các hoạt động phục vụ lợi ích dân sinh cũng như việc bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đều do người dân tự tổ chức và đóng góp nhân lực, vật lực.

Nếu TPHCM và các địa phương trong cả nước nghiên cứu áp dụng theo mô hình của Quảng Ninh, chắc chắn ngân sách nhà nước hàng năm chi cho công tác này sẽ giảm rất lớn. Điều này đồng nghĩa việc tránh lãng phí, cồng kềnh, kém hiệu quả trong tổ chức bộ máy.

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục