Sổ tay

Công nghiệp CNTT hay thị trường tiêu thụ của thế giới?

Mới đây, Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia đã có phiên họp toàn thể góp ý cho dự thảo Đề án Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Tại phiên họp này, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu với tư cách là ủy viên Hội đồng đã trích dẫn nội dung loạt bài về công nghiệp điện tử Việt Nam với “

Mới đây, Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia đã có phiên họp toàn thể góp ý cho dự thảo Đề án Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Tại phiên họp này, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu với tư cách là ủy viên Hội đồng đã trích dẫn nội dung loạt bài về công nghiệp điện tử Việt Nam với “số 0 tròn trĩnh” (đăng vào giữa tháng 11 vừa qua) của Báo SGGP để góp ý rằng, đề án cần có chiến lược cụ thể mang tính đột phá cho lĩnh vực công nghiệp CNTT.

Theo GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, đó là một thực tế đáng buồn đối với ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Vì vậy, đề án phải xem xét việc cần phát triển công nghiệp phần cứng như thế nào? Bởi nếu đi theo lối như hiện nay, chỉ mua linh kiện về lắp ráp thì hiệu quả không cao và điều quan trọng là Việt Nam không thể làm chủ được công nghệ.

GS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, không nên làm những thứ mà vì “rẻ rúng” quá rồi, các nước họ không làm nữa, mình lại cứ tập trung làm, trong khi lợi nhuận không đem lại được bao nhiêu… Tại sao chúng ta không tập trung đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng chế, thiết kế, sản xuất ra những con chíp, vi mạch điện tử?

Cũng tại cuộc hội thảo này, GS-TS Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, đề án cần xác định mục tiêu công nghiệp CNTT đến năm 2015 cụ thể hơn. Phải chăng đến thời điểm đó, Việt Nam cần phải tập trung cho công nghiệp phần cứng là sản xuất được các chíp cơ bản để không phụ thuộc vào nước ngoài và có thể đưa ra các mẫu mã mới mang thương hiệu Việt Nam.  

Công việc này không đơn giản. Các nước phát triển hiện nay đều có công nghệ nguồn, nhưng Việt Nam chưa mạnh về vấn đề này. Vì vậy, đề án cần xác định rõ và phải tập trung vào một mảng nhỏ, lấy đó làm thế mạnh cho công nghiệp CNTT của nước nhà. GS Vũ Đình Cự thì cho rằng, đề án đánh giá phần công nghiệp phần cứng rằng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng có vẻ mang tính chất xoa dịu.

Báo chí và dư luận các ngành liên quan đến công nghiệp điện tử, phần cứng đều cho rằng công nghiệp điện tử ở Việt Nam đang là con số không, nhiều lắm chỉ làm được vỏ máy, mấy chiếc cọc và ăng ten. Ở Philippines công nghiệp phần cứng đạt tới 40 tỷ USD/năm, còn ở Việt Nam chỉ có khoảng 8 tỷ USD. Việt Nam có 86 triệu dân, trong khi Philippines chỉ có khoảng 60 triệu dân…

Theo GS Cự, đây là bước cản quyết định kìm hãm nền kinh tế công nghệ cao của nước ta, biến nước ta thành nước tiêu thụ hàng đầu của công nghiệp CNTT thế giới (chỉ mua về dùng chứ không tự sản xuất ra để dùng). Đây là trở ngại rất lớn của đề án tăng tốc lần này, nếu không “giải” được thì không tăng tốc được, chỉ có thể làm theo Ấn Độ - tăng tốc về phần mềm chứ không thể tăng tốc về phần cứng…

Chúng ta cần có những chính sách, biện pháp để thúc đẩy phát triển, tiến tới làm chủ lĩnh vực này. Đây là điều mà Đề án Tăng tốc không thể không đề cập đến. Cho dù không thể bao gồm hết, nhưng phải cần có những sản phẩm đột phá, đặc trưng, là thế mạnh của Việt Nam. Bởi nếu không làm được điều đó, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, thực chất chỉ là “thị trường lớn” tiêu thụ sản phẩm, linh kiện vi tính, điện tử của nước ngoài mà thôi.

Trần Bình

Tin cùng chuyên mục