Công nghiệp hỗ trợ “hút” doanh nghiệp Nhật

Tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM kết nối doanh nghiệp trong nước tìm hiểu nhu cầu cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản
Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM kết nối doanh nghiệp trong nước tìm hiểu nhu cầu cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản
Thị trường hấp dẫn
Thực tế khảo sát hàng năm của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, thị trường Việt Nam luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của các DN Nhật Bản và số DN Nhật Bản đầu tư hiệu quả tại Việt Nam cũng rất cao. Cụ thể, theo khảo sát của JETRO về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016 cho thấy, gần 67% DN Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam cũng đã được cải thiện khi tăng lên mức 34,2%. JETRO đánh giá tỷ lệ này cao hơn Philippines nhưng còn thấp hơn Trung Quốc (68%) hay Thái Lan (57%). Cơ quan này cho rằng, Việt Nam cần tăng mức nội địa hóa hơn nữa để giảm chi phí sản xuất. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng chính là cơ hội cho nhiều DN trong nước tăng cường hợp tác với các DN Nhật Bản. 
Ông Iku Hara, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp TP Tokyo, cho biết trong tháng 10-2017 tại TPHCM, 25 DN đến từ Tokyo tham gia triển lãm công nghiệp Metalex 2017 để tìm kiếm đối tác cung ứng sản phẩm công nghiệp. Riêng 10 DN đến từ tỉnh Yamagata cũng vừa làm việc với hơn 50 DN TPHCM để tìm kiếm DN có khả năng cung ứng các sản phẩm như linh kiện máy chính xác và phụ tùng ô tô, khuôn nhựa chính xác, máy móc, thiết bị công nghiệp, thiết kế công cụ và chế tạo, máy đo độ dẫn điện, dụng cụ đo điện tử, sản xuất linh kiện điện tử... 
Ông Yoshihisa Ishizawa, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến doanh nghiệp tỉnh Yamagata, nhấn mạnh thêm, các DN đến từ tỉnh Yamagata lần này đều là DN lớn trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ có kỹ thuật cao, hiện đại. Mỗi DN có thế mạnh riêng ở từng lĩnh vực và độ chính xác trong từng sản phẩm.
Nhìn nhận về thị trường Việt Nam, ông Yoshihisa Ishizawa cho rằng, tuy tỷ lệ DN Nhật Bản chọn Việt Nam đầu tư chưa cao như ở Trung Quốc và Thái Lan nhưng đa số đều đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Chỉ cần tăng tỷ lệ nội địa hóa cung ứng sản phẩm hỗ trợ, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, công nhân Việt Nam có tính siêng năng, cần mẫn… cũng hấp dẫn được các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ổn định chất lượng sản phẩm 
Đẩy mạnh kết nối thông tin giữa nhu cầu của DN Nhật Bản với khả năng cung ứng của DN Việt Nam là giải pháp TPHCM đang triển khai nhằm tăng cường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, cho biết khả năng cung ứng sản phẩm hỗ trợ của DN TPHCM rất lớn nhưng do thiếu thông tin từ đối tác nên cung - cầu không gặp nhau.
Do vậy, để tạo cơ hội DN ngành CNHT phát triển, từ đầu năm 2017, trung tâm đã nỗ lực kết nối cung - cầu giữa các DN nước ngoài với DN trong nước nói chung và DN TPHCM nói riêng. Đơn cử, trong buổi làm việc kết nối với DN tỉnh Yamagata, đã có 5 DN Việt Nam được lựa chọn trở thành nhà cung ứng cho DN Nhật Bản.
Bà Oanh khẳng định, buổi gặp gỡ chỉ là bước khởi đầu cho hoạt động kết nối với DN tỉnh Yamagata. Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục làm đầu mối để các DN Nhật Bản có thể liên lạc, cũng như tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam. Trung tâm sẽ hỗ trợ cải tiến chất lượng và năng suất cho DN trong nước nhằm đáp ứng tiêu chí nhà cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, hiện vẫn còn khoảng cách nhất định giữa năng lực DN Việt Nam với yêu cầu của các DN Nhật Bản. Ông Đỗ Hoàng Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật ý tưởng - một trong 5 công ty tham gia buổi kết nối trực tiếp với các DN tỉnh Yamagata, chia sẻ DN Nhật Bản thường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Vì vậy, nếu muốn trở thành nhà cung ứng, DN Việt Nam phải hiểu được các yêu cầu của họ; đồng thời đảm bảo uy tín, thời gian giao hàng và quan trọng hơn hết là ổn định chất lượng sản phẩm.
Thực tế thời gian qua, có rất nhiều DN nội trở thành nhà cung ứng nhưng không thể duy trì hợp tác lâu dài. Đây là điều đáng tiếc và nếu như DN Việt không nỗ lực hoàn thiện mình trước khi tham gia hợp tác với DN Nhật Bản sẽ khó tránh không rơi vào vết xe đỗ của các DN trước đó. 
Có thể thấy, cơ hội hợp tác, đầu tư của DN Việt Nam rất có triển vọng vì thời gian gần đây, số lượng DN Nhật Bản qua Việt Nam tìm hiểu đầu tư ngày càng tăng. Số lượng DN Việt Nam cung ứng hàng hóa cho DN Nhật Bản cũng tăng lên. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều DN Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản. Vấn đề còn lại là DN nội thay đổi như thế nào để tận dụng tối đa cơ hội hợp tác lâu dài với DN Nhật.

Tin cùng chuyên mục