Công nghiệp ô tô Hàn Quốc khủng hoảng

Xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và sản xuất ô tô của Hàn Quốc đang ngày một giảm, khiến nhiều ý kiến lo ngại về cuộc khủng hoảng diện rộng của ngành công nghiệp ô tô xứ kim chi.
Một dây chuyền sản xuất ô tô Hyundai tại Nga
Một dây chuyền sản xuất ô tô Hyundai tại Nga
Những con số đáng ngại
Tất cả chỉ số của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đang có xu hướng giảm bằng thời điểm cách đây 7-8 năm, ở ngưỡng tương đương với đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2000. Kênh KBS World dẫn nguồn tin từ  Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc (KAMA) cho biết, trong nửa đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu ô tô trong nước đạt 1.235.000 chiếc, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, kể từ sau quy mô xuất khẩu 940.000 chiếc vào năm 2009. Xuất khẩu ô tô thành phẩm cùng kỳ đã giảm 3 năm liên tiếp (kể từ năm 2015).
Tiêu thụ ô tô trong nước cũng rơi vào trì trệ. Lượng bán ra ô tô tại thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 785.000 chiếc, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái (818.000 chiếc). Theo KAMA, tiêu thụ nội địa xe ô tô thành phẩm sau khi đạt mức tăng trong 3 năm (từ năm 2014) đã quay đầu giảm. Do xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cùng giảm, sản lượng ô tô cũng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng ô tô trong nước của Hàn Quốc đạt 2.162.000 chiếc, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái là 2.196.000 chiếc, mức thấp nhất kể từ sau năm 2010 (2,1 triệu chiếc). 
Sự đình trệ này còn được phản ánh ở nhiều chỉ số liên quan khác. Theo báo cáo phân tích tình hình kinh doanh doanh nghiệp trong quý 1 vừa qua của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), trong quý 1-2017, doanh thu bình quân của ngành chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lĩnh vực thiết bị vận tải lại giảm 3,6%. Ngoài ra, các chỉ số về tính an toàn tài chính, lợi nhuận kinh doanh đều ở mức thấp kỷ lục.
Suy giảm cạnh tranh
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều yếu tố tiêu cực chồng chéo khiến ngành sản xuất ô tô của Hàn Quốc rơi vào tình trạng trên. Trước tiên, đó là do lượng xe bán sang thị trường Trung Quốc của các hãng Hyundai, Kia giảm mạnh tới 40% do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh liên quan tới việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ngoài ra, việc Hãng GM rút khỏi thị trường châu Âu cũng khiến quy mô xuất khẩu của GM bị giảm mạnh. Một yếu tố căn bản quan trọng khác là ngành công nghiệp ô tô đã tăng trưởng quá độ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiếu sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao hiệu suất. Do đó, thị phần của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại 3 thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang giảm dần.
Tại thị trường Trung Quốc, thị phần của doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc sau khi đạt 9% vào năm 2014 đã giảm xuống ngưỡng 4% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay. Mặc dù điều này chịu ảnh hưởng lớn từ các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc, một nguyên nhân không nhỏ khác của tình trạng này là do các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang ngày một đẩy cao được thị phần.
Tại Mỹ, thị phần của doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc từng tăng tới 8,9% vào năm 2011, nhưng đã xuống còn 7,6% trong năm nay. Thị phần tại thị trường Tây Âu trong 6 năm gần đây cũng chỉ ở mức từ 5,7% - 5,9%. Ngược lại, các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đang đều đặn gia tăng được thị phần tại 3 thị trường này. Có thể nói, cuộc khủng hoảng trên diện rộng của ngành ô tô Hàn Quốc xuất phát từ sự suy giảm sức cạnh tranh. 
Đối sách
Triển vọng tiêu thụ nội địa và đặc biệt là xuất khẩu đều không mấy sáng sủa trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu ô tô tại thị trường Mỹ giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, thêm vào đó là xu hướng hồi phục chậm của nhu cầu ô tô tại thị trường các nước mới nổi. Các chuyên gia đánh giá ngành ô tô Hàn Quốc đang đánh mất động lực tăng trưởng, đối diện với nguy cơ khủng hoảng. Theo họ, để cải thiện tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong nước không những cần chuyển hướng sang thị trường các nước mới nổi, mà còn cần phải củng cố vị trí vững chắc tại thị trường các nước phát triển, nơi có sự cạnh tranh về công nghệ tiên tiến. Điều này chỉ có thể được thực hiện với sự nỗ lực của các bên, như giới doanh nghiệp ô tô cần phải hợp tác linh hoạt với các đối tác, công đoàn lao động, trong khi Chính phủ Hàn Quốc cần phải thiết lập chính sách cụ thể về sản xuất ô tô.
Ngoài ra, giáo sư Kim Pil-soo thuộc của Khoa Công nghệ ô tô của Trường Đại học Daelim từng khuyến nghị rằng, các hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc cũng cần phải quan tâm đến phát triển ô tô điện, xu hướng tương lai của thế giới. Thế giới trở nên quan tâm hơn đến phương tiện xe chạy bằng điện kể từ khi hãng xe Volkswagen của Đức công bố chiến lược tương lai của mình nhằm thoát khỏi tai tiếng về vụ lắp đặt thiết bị gian lận khí thải trong xe chạy bằng động cơ diesel. “Làn gió mới đang lan tỏa vào dòng xe chạy bằng điện hoàn toàn không gây ô nhiễm. Những nhược điểm như tuổi thọ pin, giá cả, độ bền và phương thức sạc đã ít nhiều được giải quyết”, ông  cho hay.
Hãng Toyota của Nhật Bản cho biết sẽ loại bỏ tất cả các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong tính đến năm 2050. Hãng General Motors của Mỹ có kế hoạch sản xuất đại trà ô tô điện thế hệ mới có khả năng chạy hơn 320km với chỉ một lần sạc... Hyundai và Kia Motors của Hàn Quốc đã có kế hoạch phát triển dòng xe thân thiện môi trường. Trong bối cảnh cạnh tranh để phát triển và sản xuất dòng xe này, Hàn Quốc đang nhìn thấy một cơ hội tăng trưởng mới. Theo ông Kim Pil-soo, quan trọng nhất là pin  khi chiếm 40% - 50% giá thành của một chiếc xe điện. Loại pin tốt nhất trên thế giới là pin lithium polymer (hay còn gọi là pin LiPo) và các công ty Hàn Quốc sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. 
Nếu các nhà sản xuất pin Hàn Quốc tiếp tục tập trung và nỗ lực, có thể họ sẽ là người dẫn dắt tương lai của dòng ô tô điện mới. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đã đưa ngành công nghiệp ô tô của mình từ vị trí thấp nhất lên đẳng cấp cao nhất thế giới trong vòng 40 năm qua. Nếu tiếp tục nỗ lực, Hàn Quốc có thể trở thành người đi đầu trong ngành công nghiệp này trước các quốc gia phát triển khác.

Tin cùng chuyên mục