Công ty cổ phần Hùng Vương: Nguyên liệu là sức mạnh cạnh tranh

Công ty cổ phần Hùng Vương: Nguyên liệu là sức mạnh cạnh tranh

Từ một nhà máy sản xuất chỉ 50 tấn/ngày với 500 lao động, đến nay Công ty cổ phần Hùng Vương đã có 5 nhà máy chế biến thủy hải sản trực thuộc, với công suất 50.000 tấn/năm và trên 4.500 lao động. Đây là một trong những nỗ lực của một doanh nghiệp chỉ mới thành lập trong một thời gian ngắn.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, với tên gọi Công ty TNHH Hùng Vương, tọa lạc tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, với chức năng chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu.

Từ đầu năm 2007, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu phát triển của công ty, Hùng Vương đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, mô hình hoạt động mới này đã giúp công ty huy động được nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất.

Công ty cổ phần Hùng Vương: Nguyên liệu là sức mạnh cạnh tranh ảnh 1

Phân xưởng sản xuất cá tra xuất khẩu của Công ty cổ phần Hùng Vương. Ảnh: P.N.

Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành thủy sản của Việt Nam phải đối mặt với xu thế và yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu…

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản trong nước phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là lợi thế của Hùng Vương khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu và nhất là vùng nguyên liệu này do chính công ty làm chủ đầu tư.

Theo ông Minh, Hùng Vương hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh lớn vào thị trường châu Âu và Trung Mỹ, hệ thống nuôi trồng thủy sản của công ty đã được công nhận hợp chuẩn các hệ thống quản lý chất lượng Safe Quality Food 1000 (SQF 1000) và được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm liền. Hiện nay, các sản phẩm của công ty được xuất khẩu vào nhiều nước trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Úc…

Trong xu thế thương mại toàn cầu, việc phát triển các mặt hàng mang tính độc quyền như sản phẩm cá tra rất cần thiết, vì hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có một lợi thế rất lớn nhờ vào hệ thống sông ngòi thích hợp cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, nhu cầu về tiêu thụ thủy sản chế biến trên thế giới ngày càng tăng, nhất là đối với sản phẩm cá tra, cá basa, do các sản phẩm này có thể thay thế cá thịt trắng có nguồn gốc từ vùng biển nhờ vào giá thành tương đối thấp, chất lượng ngon, sản lượng dồi dào và ổn định.

Với những lợi thế trên, trong năm 2007, Hùng Vương đang tập trung đầu tư xây dựng nhằm năng cao hiệu quả kinh doanh. Trong đó, tập trung vào việc nuôi trồng thủy sản, công ty đang đầu tư gần 80 tỷ đồng để mở rộng hệ thống nuôi trồng thủy sản theo mô hình “nuôi cá tra công nghiệp”, nâng diện tích nuôi trồng từ 80 ha hiện nay lên 200 ha vào thời gian tới, đáp ứng 30%-40% nhu cầu nguyên liệu của công ty.

Hiện nay, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó liên kết với các hộ nông dân có nguồn vốn ít nhưng có ao nước, có nguồn lao động, Hùng Vương sẽ đầu tư từ nguồn giống, thức ăn cho cá, thuốc, đến kỹ thuật nuôi trồng và thỏa thuận hỗ trợ bao tiêu hết sản phẩm cho hộ nuôi.

Ngoài ra, Hùng Vương còn liên kết với các hộ nuôi theo dạng công ty đầu tư 60% nguồn vốn, còn lại 40% sẽ do hộ nuôi trồng đóng góp và cuối vụ sẽ chia tỷ lệ lãi suất theo phương thức Hùng Vương 40%, hộ nông dân 60%. Đây là một chiến lược táo bạo của Hùng Vương trong việc phát triển nguồn nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm gắn bó và có trách nhiệm với công ty trong việc cung ứng nguyên liệu theo hợp đồng.

Ông Minh cho biết: “Để phục vụ sản xuất đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa của công ty, nhất là trong lúc nguồn nguyên liệu không ổn định hoặc thị trường tiêu thụ có biến động và nhu cầu thuê kho của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, nông sản… công ty đang đầu tư xây dựng thêm một kho lạnh có công xuất 30.000 tấn tại Khu công nghiệp Tân Tạo và tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 100 tấn/ngày tại Vĩnh Long, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 8-2007”.

PHƯỚC NGỌC

Tin cùng chuyên mục