Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM - Nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc

Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM - Nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc

Chính thức đưa vào hoạt động phục vụ lễ hội từ lễ giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (LS-VHDT) TPHCM tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9 là một dự án lớn, được Nhà nước quan tâm và đầu tư quy mô, là một trong số ít các công trình lịch sử văn hóa trọng điểm của TPHCM đang tiếp tục được thực hiện.

Đường vào Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Đường vào Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Công viên có tổng diện tích hơn 400ha, được quy hoạch tổng thể với 4 khu: khu cổ đại, khu trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (bao gồm Cù lao Bà Sang). Đến thời điểm này, công viên đã xây dựng hoàn tất công trình trung tâm của khu cổ đại là đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đền là nơi thiêng liêng để nhân dân đến tưởng niệm, vọng bái tổ tiên, hướng về cội nguồn, tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, khơi dậy tình cảm về nguồn, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là nơi tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ hàng năm tại TPHCM.

Trong khoảng thời gian hơn một năm rưỡi đưa vào hoạt động, đền tưởng niệm các vua Hùng đã đón tiếp nhiều vị lãnh đạo đến thăm viếng, tham quan. Trong mỗi đợt lễ lớn, hàng chục ngàn lượt người dân đã đến lễ bái, tổ chức cắm trại, tìm hiểu lịch sử, thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật…

Để tạo dựng cảnh quan môi trường phù hợp, công viên đã trồng mới hơn 30ha rừng (trong đó có 12ha rừng gỗ quý như cẩm lai, sao, lim…), đồng thời cải tạo và trồng thêm gần 100ha cây xanh. Làm xong đường nội bộ Nam, Bắc trong công viên.

Tiến độ xây dựng hiện thời tạm dừng ở đó vì gặp nhiều trở ngại. Trước mắt, khu vực đất đã đền bù giải tỏa hơn 300ha nhưng vẫn còn 6 hộ nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các hộ trên đường Nguyễn Xiển, dọc sông Đồng Nai… chưa di dời. Ban quản lý dự án công viên đang đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ đền bù giải tỏa phần đất còn lại, cuối năm 2010 sẽ tiến hành cấp sổ đỏ cho 60 hộ dân. Đến nay, khu vực tái định cư 26ha dành cho 500 hộ đã giải quyết vấn đề nhà ở cho 300 hộ. Ngoài ra còn có 1.000 căn hộ chung cư tại khu tái định cư Long Sơn, Long Bình, quận 9, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu tái định cư của nhân dân.

Nghi thức rước lễ tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nghi thức rước lễ tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban quản lý dự án Công viên LS-VHDT TPHCM sắp tổ chức cuộc thi lấy ý tưởng thiết kế về các truyền thuyết như Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh… và tiến hành làm các dự án mặt tiền xa lộ, dự án hạ tầng nội bộ khu cổ đại 80ha gồm đường giao thông, hệ thống điện, cấp – thoát nước, cây xanh…

Riêng dự án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên cũng chuẩn bị được đầu tư thực hiện. Trong năm 2011, công viên kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp đầu tư cho các dự án: khu du lịch sinh thái, làng hoa, công viên điện ảnh, làng văn hóa các dân tộc…

Kiến trúc sư Cao Hữu Niên, Phó Trưởng ban Quản lý khu Công viên LS-VHDT, cho biết: “Hiện nay, vướng mắc vẫn là công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, đặc biệt là khu vực mặt tiền xa lộ Hà Nội. Riêng các dự án của công viên, vì hạ tầng cơ sở trước đây không có nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. Khó khăn nhất là thủ tục xây dựng. Chúng tôi phải chờ quy hoạch, chờ thẩm định, chờ phê duyệt, cộng thời gian thiết kế nội dung, tổ chức thi lấy ý tưởng... Tuy nhiên, đây là công trình trọng điểm nên được thành phố chỉ đạo thực hiện tập trung. Đó là thuận lợi lớn nhất của dự án Công viên LS-VHDT”.

Dự kiến, đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 80% công trình công viên, sau đó tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đây là một dự án lịch sử - văn hóa lớn, được đầu tư quy mô và cẩn trọng. Hy vọng dự án sẽ hoàn tất theo kế hoạch để kịp thời phục vụ nhân dân, là điểm tham quan, học tập, vui chơi giải trí, hướng về cội nguồn, góp phần giáo dục các thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, gìn giữ và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Thúy Bình

TPHCM - Những công trình trọng điểm

- Khu công nghệ cao TPHCM - Tiếp tục chuyển mình

- Công viên Phần mềm Quang Trung: Nơi doanh nghiệp “lạc nghiệp”

- Quy hoạch cán bộ dài hạn - Thổi làn gió mới...

- Cú hích nâng chất nguồn nhân lực

- Tình trạng ngập nước tại TPHCM chưa giảm: Thiếu giải pháp đồng bộ

- Biến rác thành vàng

- Xã hội hóa đầu tư - Bước đột phá

- Đại lộ Đông Tây - Con đường “tơ lụa”

Tin cùng chuyên mục