Công viên trong thành phố

Nếu để chọn một địa điểm bình dân, nơi cuộc sống vừa sôi động nhưng cũng chầm chậm trôi ở mảnh đất phương Nam nắng gió này, không ít người sẽ nhắc đến công viên. 

Sau những ngày dài giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, khi TPHCM nới lỏng giãn cách, những “lá phổi xanh” ấy lại nhộn nhịp trở lại với bao gương mặt quen, nhưng vẫn còn những sự trống trải nhất định. 

Không khí tập luyện thể thao sôi nổi ở Công viên Gia Định
Góc này, nhóm thanh niên đá cầu, chơi cầu mây; khoảng sân rộng kia và thoáng hơn, những sân cầu lông được chia ô gọn gàng, nhiều người trung niên và cao tuổi nhưng đôi chân, cánh tay vẫn nhanh thoăn thoắt. Khu vực sân chơi của trẻ em, nào là xích đu, cầu trượt... vang tiếng nói cười. Khu tập luyện có lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời, người đu xà, người chống đẩy, người đạp xe, gập bụng...

Những hình ảnh ấy có thể bắt gặp hàng ngày ở Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) khi thành phố thích ứng an toàn. “Lá phổi xanh” này như thường lệ trở thành địa chỉ tập luyện thể thao yêu thích của nhiều người. Dù có người đến công viên chỉ chọn đi bộ, nhưng với họ, được hít thở khí trời trong khuôn viên xanh mát, sạch sẽ là hạnh phúc sau những ngày “cửa đóng then cài”. 

Kém nhộn nhịp hơn đôi chút, nhưng nhiều công viên như: Lê Văn Tám (phường Đa Kao, quận 1), Hoàng Văn Thụ (phường 2, Tân Bình), Văn hóa Gò Vấp (phường 6, Gò Vấp)…, nhịp sống cũng dần sôi động trở lại. “Sáng nào tôi cũng dành ít nhất hơn 1 giờ đi bộ 3km từ nhà ra Công viên Hoàng Văn Thụ để tập luyện. Không giống như phòng gym, đến công viên vừa thoáng mát, lại có đủ dụng cụ luyện tập. Chưa kể, nhìn không khí háo hức hăng say của mọi người, mình cũng có nhiều động lực hơn. Có khác chăng, ai cũng ý thức giữ khoảng cách và luôn đeo khẩu trang, thậm chí cả kính chắn giọt bắn”, mướt mồ hôi sau khi tập luyện, anh Thanh Hùng (phường 10, Phú Nhuận) chia sẻ.  

Những công viên ở thành phố không chỉ là nơi tập luyện thể dục, thể thao lý tưởng mà đó còn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa. Những ngày bình thường cũ, tối ra công viên hóng mát có thể bắt gặp cả xã hội thu nhỏ. Những lớp học khiêu vũ, dưỡng sinh, thể dục nhịp điệp, thậm chí cả học thiền… diễn ra khắp mọi nơi. Ban ngày, công viên trở thành địa điểm tập thể dục của học sinh, sinh viên; nơi chụp hình cưới, tổ chức hoạt động dã ngoại… Công viên Lê Văn Tám luôn là nơi tổ chức hội sách thành phố định kỳ 2 năm một lần. Công viên Gia Định có rạp xiếc của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Công viên Tao Đàn nơi trưng bày rất nhiều tác phẩm điêu khắc, nơi diễn ra hội hoa xuân mỗi năm. Công viên 23-9 trước đây có sân khấu Sen Hồng, nay lại thêm khu ăn uống mua sắm tấp nập...  

Những ngày này, khi nhịp sống mới dần bình thường trở lại, các sự kiện văn hóa ở công viên vẫn chờ ngày trở lại, rộn tiếng nói cười. Khi thành phố lên đèn, nhiều công viên vẫn rộn rã những bước chân hối hả và cả những giọt mồ hôi ướt đẫm. Những “lá phổi xanh” ấy chỉ có khoảng lặng khi màn đêm xuống thật sâu để hít thở trước khi chào ngày mới - một ngày bình thường.

Tin cùng chuyên mục