Công nghiệp khai khoáng, luyện kim: Tình thế khắc nghiệt

Công nghiệp khai khoáng, luyện kim: Tình thế khắc nghiệt

Hàng loạt doanh nghiệp khai khoáng, luyện kim tại khu vực miền núi phía Bắc đang đứng trước nguy cơ phá sản do tác động của suy giảm kinh tế. Nhiều giải pháp cứu trợ đã được đưa ra nhưng vẫn chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp đủ sức neo giữ. Bài toán lúc này là cần tính tới phương án sàng lọc doanh nghiệp, hay cứu trợ đồng loạt?

Đã qua thời hoàng kim

Công nghiệp khai khoáng, luyện kim: Tình thế khắc nghiệt ảnh 1
Mỏ sắt Ngườn Cháng (tỉnh Cao Bằng) vẫn duy trì hoạt động do được bao tiêu sản phẩm.

Trái ngược với hình ảnh sung túc của các doanh nghiệp khai khoáng trong nhiều năm trước, từ cuối năm 2008 đến nay, không khí u ám đã bao trùm nhiều mỏ quặng ở khu vực miền núi phía Bắc. Các loại quặng, từ sắt đến kim loại mầu đồng loạt mất giá, bình quân giảm 1/2, thậm chí có loại giảm giá tới 3/4 so với thời điểm một năm trước nhưng cũng không có người mua.

 Đơn giản vì đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản khu vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung khai thác quặng thô xuất bán sang Trung Quốc. Vì thế, từ 1-1, khi thực hiện quy định hạn chế xuất khẩu quặng thô theo Thông tư 08 của Bộ Công Thương, hàng loạt doanh nghiệp đã lâm vào ngõ cụt. Khai thác và kinh doanh khoáng sản đã mang lại sự giàu có cho nhiều “đại gia” thì nay lại đẩy không ít doanh nghiệp vào tình cảnh lao đao.

Miền núi phía Bắc là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, có trữ lượng lớn quặng sắt, chì, kẽm, đồng, thiếc… Đây là thế mạnh rõ ràng nhất để thu hút đầu tư. Vì vậy thời gian qua hầu hết các tỉnh khu vực này đều tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng, luyện kim, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Khi ngành khai khoáng toàn cầu trở thành một trong những ngành công nghiệp chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế, thì bức tranh công nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cũng nhanh chóng chuyển màu ảm đạm. Bị tác động nặng nề hơn cả lại là các doanh nghiệp phát triển theo hướng vừa đầu tư khai thác, vừa chế biến sâu. 

Tại Hà Giang, năm 2008, toàn tỉnh khai thác được 9.500 tấn quặng ăngtimon, mangan 28.300 tấn, sắt 103.000 tấn và quặng chì, kẽm 15.000 tấn. Trong 4 loại khoáng sản này, duy nhất quặng ăngtimon được chế biến sâu, 3 khoáng sản còn lại chỉ qua sơ chế rồi xuất sang Trung Quốc nên kim ngạch xuất khẩu đạt thấp.

Tại tỉnh Bắc Kạn, giá trị công nghiệp của tỉnh liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Riêng 2 tháng đầu năm nay, ước thực hiện chỉ đạt 4 tỷ 194 triệu đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm trước do mặt hàng chủ lực là quặng vừa xuống giá vừa không xuất bán được. Nếu như những năm trước, nhiều doanh nghiệp ra sức xin cấp mỏ, thì nay rất nhiều dự án khai thác đã phải lỡ hẹn. Hàng loạt doanh nghiệp cận kề nguy cơ phá sản. Đây là ngành công nghiệp sa thải nhiều công nhân nhất trong thời gian qua ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Diễn biến nhanh, phản ứng chậm

Những diễn biến xấu trong khối doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đang diễn ra hết sức nhanh chóng và ngày càng trầm trọng. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm mọi cách gồng gánh vượt qua khốn khó. Đến nay những giải pháp ứng cứu từ Chính phủ và các địa phương vẫn chưa đủ mạnh, chưa theo kịp diễn biến giúp cải thiện tình hình.

Suy giảm kinh tế xảy ra ngay trước thời điểm “đóng cửa” xuất quặng, là cú đúp tai hại ngoài tính toán đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Dù hoạt động ở quy mô nào, vào thời điểm này rất khó tìm được một doanh nghiệp sản xuất ổn định. Hàng loạt doanh nghiệp đã đóng cửa mỏ, sa thải công nhân, quặng đắp đống la liệt ngoài khai trường. 

Theo quy định tại Thông tư 08 (ngày 18-6-2008) của Bộ Công Thương, quặng ilmenite (nguyên liệu sản xuất titan) thuộc đối tượng không được xuất khẩu từ 1-1-2009. Tuy nhiên, ngay quý III-2008, ảnh hưởng của suy thoái đã bắt đầu tác động rõ rệt đối với ngành khai khoáng.

Dự báo trước tình hình ngày càng bất lợi, ngày 16-12-2008, Hiệp hội Titan Việt Nam đã có công văn kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu quặng ilmenite và giảm thuế xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải mất đến hơn 1 tháng sau lần lượt các Bộ Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính mới chính thức có văn bản tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này.

Và đến ngày 19-3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ mới có Công văn số 1707 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc cho phép tiếp tục xuất khẩu tinh quặng ilmenite đến hết năm 2010 trên cơ sở tính toán, cân đối nhu cầu đối với thị trường trong nước. Riêng kiến nghị giảm thuế, vẫn phải tiếp tục chờ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét...

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện không bình thường, cần phải có cách xử lý linh hoạt. Mới đây, sau khi xem xét kiến nghị của Thái Nguyên, Bộ Công Thương đã cho phép Công ty liên doanh Luyện kim màu Việt Bắc xuất khẩu sang Trung Quốc 30.000 tấn tinh quặng chì, kẽm hàm lượng 50-55%. Lúc này giá quặng đã giảm một nửa so với mốc 4.600-4.800 USD/tấn trước đây. Nhưng đến khi doanh nghiệp có văn bản trong tay (vào tháng 2) thì giá quặng đã giảm thêm, chỉ còn 1.100-1.200 USD/tấn. Như vậy, xuất khẩu quặng thua lỗ là cái chắc.

Thời điểm sàng lọc

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay chính là thời điểm để sàng lọc, sắp xếp doanh nghiệp ngành khai khoáng, luyện kim. Trước hết cần đánh giá, ưu tiên ứng cứu các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững, gắn khai thác với chế biến sâu, thay vì hỗ trợ theo diện rộng, đạt hiệu quả thấp. Trong thực tế, tình trạng cấp phép tràn lan, thiếu quy hoạch thời gian dài trước đây đã gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng.

Tại nhiều địa phương, hoạt động khai khoáng diễn ra rất lộn xộn. Đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, công nghệ thô sơ và chủ yếu khai thác rồi xuất bán quặng thô hoặc quặng nghèo sang Trung Quốc. Kéo theo đó là hệ quả ô nhiễm môi trường nặng nề, mất an ninh trật tự…

Thông tư 08 của Bộ Công Thương sẽ rất hữu dụng trong việc sàng lọc doanh nghiệp ngành khai khoáng, buộc các doanh nghiệp không thể tiếp tục làm ăn kiểu chụp giật; các doanh nghiệp yếu tiềm lực tài chính, kỹ thuật sẽ phải sáp nhập để tồn tại, hoặc phải thỏa thuận bàn giao lại mỏ cho các doanh nghiệp mạnh hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế còn diễn biến phức tạp, cần thiết phải có giải pháp cấp bách ứng cứu các doanh nghiệp có định hướng sản xuất, kinh doanh bền vững để phát triển ngành khai khoáng, luyện kim trong dài hạn. Gần đây, nhiều địa phương đã có những hành động theo chiều hướng này. Cùng với việc ban hành quy hoạch quản lý và khai thác khoáng sản theo hướng tiết kiệm tài nguyên, nhiều tỉnh đã thực hiện chủ trương ưu tiên cấp mỏ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tính đến giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp ngành luyện kim; đồng thời nhanh chóng tính toán giảm thuế suất xuất khẩu khoáng sản ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi vốn, bảo đảm duy trì sản xuất. Các địa phương cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù dành cho doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong gói 4% của Chính phủ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến khoáng sản.

Bên cạnh đó, cần triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang có nhu cầu sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi để quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn. Cần thấu hiểu rằng, trong thời điểm này, bất cứ chậm trễ nào từ các cơ quan quản lý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và miếng cơm manh áo của người lao động.

Ngô Đình
(SGGP -ĐTTC)

Tin cùng chuyên mục