Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân. Bài 2: Phát triển nguyên phụ liệu - Lối ra nào?

Không để mất trắng ngành sợi!
Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân. Bài 2: Phát triển nguyên phụ liệu - Lối ra nào?

Ngành dệt may phát triển dựa trên một chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải rồi mới đến may mặc. Việt Nam (VN) mới làm tốt được khâu cuối cùng. Sản xuất bông, xơ trong nước chỉ mới đáp ứng được 2% nhu cầu dệt sợi. Chương trình phát triển nguồn nguyên phụ liệu (NPL) cho ngành dệt may trong 10 năm qua vẫn “cà rịch, cà tang”. Liệu khi chúng ta làm được thì chất lượng NPL, công nghệ sản xuất có còn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu ngày một cao hơn của thị trường thế giới?

Phát triển nguyên phụ liệu sẽ giúp ngành dệt may giảm giá cả đầu vào. Ảnh: Đức Trí

Phát triển nguyên phụ liệu sẽ giúp ngành dệt may giảm giá cả đầu vào. Ảnh: Đức Trí

Không để mất trắng ngành sợi!

Ngành dệt may VN xác định, để gia tăng giá trị, có được mức lãi, mức dư thật sự từ sản xuất, xuất khẩu bắt buộc phải làm chủ được nguồn NPL dệt may, sản xuất trong nước. Hiện tại, các phụ liệu như chỉ, khóa kéo, khuy áo, tấm bông lót, bao bì... sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 60%-70% nhu cầu.

Riêng các công đoạn sản xuất ra vải may vẫn chưa khả quan. Ngoài thế mạnh ở khâu may mặc, các khâu khác các doanh nghiệp (DN) ở VN đều có làm, nhưng chưa ra tấm, ra miếng. Do thiếu đầu tư công nghệ, sản phẩm vải làm ra không thể cạnh tranh về mẫu mã cũng như giá cả với hàng nước ngoài.

Hiện nay, các DN dệt lớn tại VN chủ yếu cung cấp được vải sơ mi, ka ki, dệt thun. Vải thời trang sản xuất trong nước rất hiếm.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty May Mạnh Tiến (quận 12, TPHCM) chuyên sản phẩm quần tây, kaki, áo thun xuất khẩu 100% đi thị trường Mỹ cho biết, 90% NPL sản xuất đều mua của nước ngoài, 10% còn lại mua ở trong nước chủ yếu là nút, chỉ, dây kéo, vải lót, bao bì.

Nguyên nhân công ty ông phải chọn mua NPL của nước ngoài vì chất lượng, mẫu mã nhiều hơn. Trước đây, DN ông đã thử hợp tác, mua hàng của DN trong nước nhưng thấy không căn cơ, lâu dài được. Hơn nữa, giá bán NPL của nước ngoài rất cạnh tranh, cùng loại NPL giá có thể thấp hơn 20%-30% so với giá bán trong nước.

Trong chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, không chỉ thiếu trầm trọng nguyên liệu bông, xơ đầu vào mà ngành công nghiệp phụ trợ VN còn nhiều hạn chế trong khâu nhuộm và hoàn tất vải.

Diện tích, năng suất sản xuất bông, xơ tại VN hiện nay chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu bông, xơ cho ngành dệt sợi. Ngành dệt sợi của VN xem như mất trắng nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu 98% bông xơ từ nước ngoài.

Hiện Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm đầu mối hồi phục phát triển cây bông, đi cùng với đó là các dự án phát triển thủy lợi phục vụ nước tưới ở vùng trọng điểm trồng bông.

Tuy nhiên, ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, hiện khâu nhuộm và hoàn tất vải là 2 khâu yếu nhất của VN. Vì để phát triển khâu này không chỉ đòi hỏi công nghệ máy móc mà quan trọng ở quản lý của con người và cả “bí quyết” pha trộn, phối màu của nghề.  

Việc còn yếu khâu nhuộm, hoàn tất vải cũng làm ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thời trang. Vì đây là công đoạn quyết định chất lượng, mẫu mã của vải để có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nếu có được nguồn NPL tại chỗ sẽ giúp các nhà thiết kế chủ động tìm nguyên liệu cho thiết kế.

Với những hạn chế trên, chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ xuất khẩu (từ năm 2007 đến 2015) mà Bộ Công thương đề ra còn quá xa vời! Nhiều DN dệt may đặt vấn đề, khi chúng ta cố gắng để phát triển công nghiệp phụ trợ, trải qua một thời gian chờ đợi khá dài, 5-10 năm tới khi VN hình thành, làm được chuỗi sản xuất liên hoàn ở trên thì công nghệ của ta có lỗi thời, NPL làm ra có phù hợp với nhu cầu ngày một cao hơn của thị trường thế giới?

Phá sản trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu?

Khi nguồn NPL trong nước chưa thể đáp ứng đủ, để tạo cho điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất tiếp cận, tìm mua nguồn NPL nhanh và dễ dàng hơn, ngành dệt may đã kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm giao dịch NPL. Đây sẽ là nơi để người bán và người mua gặp nhau. Không chỉ có các DN dệt trong nước trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận đến nhà sản xuất mà ngay cả các nhà cung cấp NPL của nước ngoài cũng tham gia.

Mục đích của trung tâm NPL này giúp nhà sản xuất chủ động tìm mua được nguồn NPL, rút ngắn bớt thời gian giao hàng của nhà sản xuất. Rõ ràng, đây là ý tưởng hay và thật sự cần thiết đối với ngành dệt may VN. Vì vậy, đã có nhiều DN tiên phong đi đầu trong việc hình thành trung tâm giao dịch NPL.

Thế nhưng, mọi dự tính của ngành và DN đầu tư không như mong ước. Các trung tâm giao dịch NPL được xây dựng quy mô, hoành tráng vẫn “vườn không, nhà trống”, người bán, người mua chẳng cần đến trung tâm.

Trung tâm NPL Sanding TAM của Công ty CP May Sài Gòn 2 (quận Tân Bình, TPHCM) đi vào hoạt động từ giữa năm 2008 đến nay chỉ có khoảng 10 gian hàng thuê hoạt động dù đã đưa ra nhiều chính sách kêu gọi người bán cả trong lẫn ngoài nước. Trung tâm NPL dệt may, da giày của Công ty TNHH Liên Anh (đặt tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) quy mô lớn hơn, diện tích 8,5 ha gồm chợ NPL, kho nội địa, kho ngoại quan, khu văn phòng làm việc, phòng hội nghị... đầu tư trên 100 tỷ đồng, đã hoạt động từ tháng 5-2009 nhưng cũng rơi vào tình cảnh ảm đạm.

Sau khi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, nhiều cuộc họp bàn của Bộ Công thương để tìm cách giải quyết bế tắc nhưng ngành vẫn không thể “cứu sống” trung tâm giao dịch NPL. DN đầu tư dù có tâm huyết với ngành cũng không thể nhìn tiền tỷ bỏ hoang! Sanding TAM sẽ được cho thuê làm trường học. Trung tâm NPL dệt may, da giày Liên Anh đã trở thành kho chứa xe máy! Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Anh cho biết, không còn cách nào khác, DN phải cho thuê làm kho, thu được đồng nào hay đồng đó. Nhưng về lâu dài, bà vẫn hy vọng trung tâm giao dịch NPL sẽ sống trở lại!

Khi còn là Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Bùi Xuân Khu đã nhiều lần tổ chức họp bàn, tháo gỡ vấn đề này. Ông Khu khẳng định sẽ rất lãng phí nếu như nhà đầu tư buộc phải chuyển đổi công năng hoạt động. Đây là một nghịch lý vì gần 10 năm nay, Vinatex đi tìm mãi mà vẫn chưa có chỗ để xây dựng trung tâm NPL, nay đã có chỗ lại không thể tổ chức hoạt động được.

Mỹ Hạnh

  • Thông tin liên quan:

- Bài 1: Có tiếng, chưa có miếng!

Tin cùng chuyên mục