Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân. Bài 3: Cần tiếp sức

Thực trạng của ngành dệt may trong những năm gần đây đã gây nhiều bức xúc cho những người trực tiếp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm này. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của người trong cuộc về những vấn đề trên.

Thực trạng của ngành dệt may trong những năm gần đây đã gây nhiều bức xúc cho những người trực tiếp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm này. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của người trong cuộc về những vấn đề trên.

  • Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM-DV Sài Gòn
    Chú trọng công nghệ và năng suất

Các đối tác nước ngoài nhập khẩu hàng của chúng tôi đánh giá rất cao tay nghề của công nhân VN. Đó chính là một trong những lợi thế làm tăng tính cạnh tranh của ngành dệt may VN so với các nước xuất khẩu (XK) khác như Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi có được, dệt may VN cũng gặp bất lợi trong cạnh tranh do sự phiền hà trong thủ tục hải quan. Dù thủ tục hải quan ở VN hiện nay đã được cải tiến nhưng vẫn chưa thật thông thoáng cho những DN XK.

Hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng rút ngắn thời gian sản xuất. Trước đây, một đơn hàng lớn từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng nhà nhập khẩu cho thời hạn thực hiện trong 180 ngày nhưng nay chỉ thực hiện trong 80 – 90 ngày. Đối với những đơn hàng nhanh từ 60 ngày xuống còn 25 - 35 ngày. Nếu thời gian nhập nguyên phụ liệu (NPL), xuất hàng ở cảng quá lâu sẽ gây khó khăn lớn cho DN.

Lao động Việt Nam sang làm việc tại các công ty may ở Malaysia được trả 600 USD/tháng. So với mức thu nhập đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì mức lương trên thuộc vào hàng thấp nhưng so với mức lương khoảng 120 -150 USD của lao động dệt may tại VN thì mức lương trên khá cao.

Hiện tại, nhiều DN dệt may lớn tại VN, kinh doanh tốt mức lương cũng không vượt quá 200 USD/tháng. Sự chênh lệch này không có nghĩa là các DN dệt may ở Malaysia bán được giá cao hơn DN VN nhưng cách quản lý, năng suất lao động của họ cao hơn và đây là yếu tố quan trọng để làm gia tăng giá trị.

  • Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3
    Không nên thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người lao động bỏ ngành may là do chính sách tiền lương. Chi phí đầu vào, giá cả sinh hoạt của người lao động tăng nhưng DN không thể điều chỉnh mức lương như mong muốn của người lao động được vì giá bán, gia công hàng XK không cải thiện. Thậm chí, trong năm 2009, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đơn hàng, giá bán giảm 10% -20% nhưng DN vẫn cố gắng xoay xở để tăng lương 10%, hỗ trợ chi phí cho người lao động.

Thật tình không có chuyện DN dệt may trong nước bóc lột lao động. Các DN đã cố gắng hết sức để chăm lo đời sống, giữ chân người lao động. Dù nhà nhập khẩu có chia sẻ, chịu tăng 10% giá bán (so với thời điểm khủng hoảng) thì DN rất khó để bù đắp cho người lao động. Vì vậy, DN rất cần sự tiếp sức của Nhà nước, có thể giảm, tạm không thu trong ngắn hạn và dài hạn thuế thu nhập DN 20% để DN lấy khoản chi này chăm lo đời sống người lao động. Đây cũng là một cách để ngành may thu hút lao động.

  • Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM
    Phát triển công nghiệp phụ trợ

Có quá nhiều cái khó để trung tâm NPL có thể đi vào hoạt động như mong ước. Việc này, ngay chính các nhà đầu tư, hiệp hội ngành nghề cũng không thể lường trước được. Để có “chợ” phải có người mua và người bán. Thế nhưng, người mua - những DN sản xuất của VN lại không có quyền mua NPL. Vì phần lớn đơn hàng sản xuất là hàng gia công. Ngay cả đơn hàng FOB cũng do nhà nhập khẩu chỉ định nguồn NPL. Vì vậy, các nhà sản xuất không cần đến chợ để mua NPL.

Hơn nữa, hiện nay các DN sản xuất dường như đã có sẵn nhà cung ứng NPL quen thuộc. Và cách đặt, mua hàng cũng có nhiều thuận lợi. Do vậy, để có thể thu hút người mua đến chợ, các trung tâm NPL này phải có được sự cạnh tranh về giá cả, thời gian cung ứng, mẫu mã. Và điều này còn phải đợi sự đầu tư, phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước cũng như các chính sách về thuế, kho ngoại quan để thu hút nhà cung cấp NPL nước ngoài.

  • Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex)
    Tăng tỷ lệ nội địa hóa

So với thời điểm 5-10 năm trước, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đã phát triển nhiều. Hiện kéo sợi và dệt của VN đang trên quá trình phát triển tốt. Thời điểm hiện nay nhà máy sản xuất sợi polyester, công suất 160.000 tấn/năm do các DN trong nước đầu tư với số vốn 320 triệu USD đang trong giai đoạn lắp ráp, hoàn thành. Dự kiến đến tháng 5-2011, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.

Cùng với đó, một nhà máy sản xuất xơ của nước ngoài đầu tư tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), công suất 60.000 tấn/năm sẽ cung ứng cơ bản xơ cho ngành dệt. Với việc đầu tư trong thời gian gần đây, ngành dệt may hy vọng sang năm 2011 sẽ cung ứng được 70% nhu cầu sợi trong nước. Dù quy trình khép kín NPL trong vẫn còn nhiều khâu yếu nhưng tỷ lệ nội địa hóa NPL trong nước đang gia tăng mỗi năm. Đó là dấu hiệu vui, nhiều hy vọng cho ngành dệt may trong thời gian tới. 

MỸ HẠNH

- Thông tin liên quan:

>> Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân

* Bài 2: Phát triển nguyên phụ liệu - Lối ra nào?

Bài 1: Có tiếng, chưa có miếng!

Tin cùng chuyên mục