Ngành công nghiệp ô tô - Hấp hối

Doanh số giảm mạnh
Ngành công nghiệp ô tô - Hấp hối

Dù đang ở vào thời điểm “mùa vàng”, nhưng doanh số bán hàng tiếp tục trên đà sụt giảm thê thảm khiến các doanh nghiệp ô tô phải thu hẹp sản xuất kinh doanh khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước rơi vào cơn hấp hối sau hàng chục năm triển khai quy hoạch.

Sản xuất ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Thăng

Doanh số giảm mạnh

đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng qua chỉ đạt 7.998 xe, bao gồm 3.128 xe con và 4.870 xe tải. Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 6.782 xe; số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc 1.216 xe. Đây là những con số khiêm tốn, cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang giảm mạnh doanh số ngay cả thời điểm “mùa vàng” bán hàng truyền thống hàng năm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nếu tính riêng doanh số xe con trong 10 tháng (bao gồm nhập và lắp ráp) chỉ đạt 30.000 chiếc, bằng một nửa so với cùng kỳ 2011; còn tính toàn bộ dòng thương mại, lượng bán ra thời gian này vỏn vẹn 70.000 xe, giảm tương ứng 40%.

Dự báo thị trường năm nay sẽ kết thúc với khoảng 94.000 xe, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đưa ra ban đầu là trên 140.000 chiếc trong năm 2012. Trước đó, do nhận định tác động xấu của thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô đã thay đổi kế hoạch sản xuất. Hãng Toyota, nhà sản xuất có thị phần lớn nhất, điều chỉnh kế hoạch cả năm từ 36.000 chiếc, xuống còn 25.000 chiếc, giảm 30%. Nhiều hãng khác cũng cắt giảm doanh số, điều chỉnh và giảm thời gian sản xuất, mỗi tuần chỉ làm 2 - 3 ngày.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu còn bi đát hơn. Ngay những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm như Hyundai Thành Công nhưng có tháng không nhập chiếc xe nào. Các doanh nghiệp như Renault, Volkswagen... cũng không khá hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã phải đàm phán với đối tác hủy tới 60% hợp đồng đặt cọc. Theo số liệu từ VAMA, lượng xe nhập trong 3 tháng gần đây chỉ trên 1.000 chiếc/tháng. Còn Bộ Công thương cho biết, tính chung những tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 65% về lượng và 71,6% về trị giá.

Cần chính sách dài hạn

Tai Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam” do VAMA và các nhà nhập khẩu ô tô chính thức tại Việt Nam tổ chức, hầu hết chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, chính sách thuế và phí làm cho hoạt động của ngành công nghiệp ô tô bị kìm hãm.

Ông Michael Berhrens, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mercedes-Benz VN đề nghị, Việt Nam cần có chính sách dài hạn, minh bạch hơn về các loại thuế và phí để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Việc chính sách thuế ô tô mỗi năm thay đổi 3 lần thì không thể tạo ra một ngành công nghiệp ô tô ổn định và phát triển.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, đến thời điểm này một ô tô phải chịu tới 9 loại thuế, phí. Thuế phí cao dẫn đến giá xe ở Việt Nam quá cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Chẳng hạn, thu nhập của người Việt Nam bằng 1/50 người Mỹ, nhưng giá ô tô lại cao hơn tới 365%. Trong vận tải, thuế phí cao thì cước vận tải tăng, sẽ tác động đến toàn bộ xã hội.

Văn phòng Chính phủ vừa có CV số 7895/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong đó yêu cầu các bộ tài chính, công thương rà soát các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của VN hiện nay như: chính sách thuế, phí, hải quan, quản lý nhập khẩu ô tô; xuất xứ linh kiện ô tô nhập khẩu...; đồng thời, đề xuất hướng giải quyết báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục