Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường

Đảm bảo an toàn suốt vòng đời nhà máy thủy điện

(SGGP).– Chiều 21-9, trong phiên họp toàn thể, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã bàn thảo về các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án thủy điện Sơn La, dự án thủy điện Lai Châu. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị đã bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn nhà máy, an toàn cho cuộc sống người dân vùng tái định cư.

Theo đại biểu Bùi Thị An, thực tế giám sát bước đầu tại hai nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu, vấn đề an toàn công trình, công tác tái định cư và đảm bảo an toàn cho người dân đều đảm bảo. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá nghiệm thu trong vấn đề an toàn, nên lúc thì dùng tiêu chuẩn Mỹ, lúc thì Nhật Bản…

Bà An đề nghị Bộ Công thương cần sớm có bộ tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đồng thời đề nghị có quy định chịu trách nhiệm lâu dài suốt vòng đời đối với các công trình này; ngăn ngừa tình trạng “cán bộ hạ cánh an toàn rồi có sự cố xảy ra không biết xử lý ra sao”.

Một số đại biểu khác cũng lưu ý, ngay cả việc tái định cư ở nhiều nhà máy thủy điện cũng còn nhiều vấn đề. Đơn cử, nhà tái định cư cho đồng bào ở dự án thủy điện Sông Tranh thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam được thiết kế không phù hợp với không gian văn hóa của đồng bào. Mỗi hộ gia đình được chia 1.000m² đất, nhưng chỉ có 400m² đất có thể làm nhà ở được, 600m² còn lại độ dốc quá lớn, người dân không thể canh tác, dẫn đến phải phá rừng làm nương rẫy...

Theo các đại diện EVN tham dự cuộc họp, với các dự án di dân tái định cư do EVN làm chủ đầu tư, cái khó là ở chỗ phong tục đồng bào dân tộc không muốn đi xa nơi ở cũ nên chủ đầu tư buộc phải chọn một số vị trí tái định cư có địa hình hiểm trở.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục