Các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM tập trung 4 ngành trọng điểm

Thu hút đầu tư giảm
Các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM tập trung 4 ngành trọng điểm

Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, cũng như một số chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất không đủ hấp dẫn nhà đầu tư đã khiến tình hình thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TPHCM giảm sút. Vậy giải pháp nào để tăng khả năng thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới?

Sản xuất thiết bị cơ khí ô tô tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất thiết bị cơ khí ô tô tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: Cao Thăng

Thu hút đầu tư giảm

Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết tình hình thu hút đầu tư năm 2012 trên địa bàn TP giảm sút so với năm 2011, vốn đầu tư thu hút giảm 21,13%; trong đó vốn đầu tư nước ngoài giảm 19,02%, vốn đầu tư trong nước giảm 23,16%, mặc dù vốn đầu tư trong nước điều chỉnh tăng gấp 3,3 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, vốn đầu tư điều chỉnh tăng là do một số dự án có vốn đầu tư lớn như: dự án Tân Cảng Sài Gòn, dự án của Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn điều chỉnh tăng vốn.

Cụ thể, năm 2012 có 220 dự án đầu tư được cấp mới và điều chỉnh với vốn đầu tư đăng ký đạt 411,73 triệu USD, đạt 82,35% kế hoạch năm 2012 (500 triệu USD), giảm 21,13% so với năm 2011 (522 triệu USD không bao gồm dự án First Solar 1,004 tỷ USD). Trong đó, về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 207,62 triệu USD, giảm 19,02% so với năm 2011 (256,37 triệu USD). Cụ thể, cấp mới 20 dự án với vốn đầu tư đăng ký 33,11 triệu USD, giảm 2,07% so với năm 2011; điều chỉnh 109 dự án, trong đó 38 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 174,51 triệu USD, giảm 21,59% so với năm 2011 (222,56 triệu USD).

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.082,15 tỷ đồng (tương đương 204,11 triệu USD), giảm 23,16% so với năm 2011 (265,63 triệu USD). Trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đăng ký 2.814,41 tỷ đồng (tương đương 140,72 triệu USD), giảm 42,93% so với năm 2011 (246,59 triệu USD); 45 dự án điều chỉnh, trong đó 22 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.267,75 tỷ đồng (tương đương 63,39 triệu USD), gấp 3,3 lần so với năm 2011 (19,05 triệu USD).

Theo HEPZA, nguyên nhân chính của thu hút đầu tư giảm sút do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn; doanh nghiệp đầu tư vào KCN không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ đầu tư vào các dự án công nghệ cao); giá thuê đất ở một số KCX-KCN không đủ hấp dẫn nhà đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung thu hút vào 4 ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến tinh lương thực - thực phẩm).

Nhiều giải pháp mới

Nhằm thu hút nhà đầu tư tập trung đầu tư vào các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM trong năm 2013, HEPZA cho biết sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, xây dựng KCN ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, dự kiến thực hiện tại KCN Hiệp Phước. Thành lập Khu công nghệ cao Việt Nam - Singapore (VSIP) tại TPHCM. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thúc đẩy cải cách hành chính, giải quyết nhanh thủ tục cho doanh nghiệp, nâng cao vị thế của ban quản lý đối với nhà đầu tư.

Thúc đẩy việc triển khai dự án của các KCN dự kiến thành lập mới như Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Vĩnh Lộc 3, Xuân Thới Thượng, Hiệp Phước - giai đoạn 3, Lê Minh Xuân mở rộng, Hòa Phú, Phước Hiệp để sớm triển khai tạo quỹ đất sẵn sàng cho thu hút đầu tư. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khai thác các KCN đã sẵn sàng quỹ đất đầu tư: KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước - giai đoạn 2, KCX Tân Thuận.

Khuyến khích Công ty Phát triển hạ tầng xây dựng sẵn nhà xưởng tiêu chuẩn, trung tâm dịch vụ phục vụ công nghiệp phù hợp các ngành sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Phát triển xây dựng nhà xưởng cao tầng đa công năng, giảm ô nhiễm môi trường để tăng diện tích sàn công nghiệp. Phối hợp UBND các quận - huyện, chủ đầu tư KCN đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng tại 3 KCN hiện hữu (Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Cát Lái 2) và 8 KCN đang triển khai (Đông Nam, Tân Phú Trung, Hiệp Phước - giai đoạn 2, Phong Phú, Hòa Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Xuân Thới Thượng). Rà soát, thu hồi đất đối với những dự án không triển khai theo đúng tiến độ đăng ký để triển khai các dự án khác.

Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, định hướng vào lĩnh vực công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, lĩnh vực công nghệ cao. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư TPHCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty Phát triển hạ tầng KCX-KCN tổ chức vận động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia.

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục