Ngành công thương quyết liệt giải phóng hàng tồn kho

Để giải phóng hàng tồn kho hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, ngành công thương đang khẩn trương triển khai hàng loạt giải pháp về xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hoàn thành các dự án...
Ngành công thương quyết liệt giải phóng hàng tồn kho

Để giải phóng hàng tồn kho hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, ngành công thương đang khẩn trương triển khai hàng loạt giải pháp về xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hoàn thành các dự án...

        Đưa hàng đến tay người tiêu dùng

Theo Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,2%, tuy chưa cao nhưng cũng cho thấy sự hồi phục đáng kể. Điểm đáng chú ý là lượng hàng tồn kho đã giảm được hơn 10% so với đầu năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm ngày 1-1 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm dần qua các tháng: tháng 2, hàng tồn kho tăng 19,9%; tháng 3 tăng 16,5%; tháng 4 tăng 13,1%; tháng 5 tăng 12,3% và tháng 6 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công thương nhận định, chỉ số tồn kho sản phẩm giảm dần qua các tháng, một phần do các cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, sự năng động, linh hoạt điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sản phẩm áo sơ mi do Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè sản xuất. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sản phẩm áo sơ mi do Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè sản xuất. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương 6 tháng cuối năm là ổn định và phát triển sản xuất, giải phóng hàng tồn kho. Các doanh nghiệp, tập đoàn chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường để điều hành sản xuất phù hợp, nhằm đưa chỉ số hàng tồn kho xuống thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng Việt phải được tăng cường, gắn với tiêu dùng, sản xuất và đầu tư mới mang lại hiệu quả cao. Giải pháp căn cơ để giảm bớt hàng tồn kho, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường nội địa được xem trọng tâm. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối để hàng hóa có giá hợp lý đến được với đông đảo người tiêu dùng. Để thực hiện hiệu quả, các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối, tổ chức tốt việc gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, góp phần ổn định giá cả hàng hóa. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, cũng như việc kiểm tra, giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra giá cả tạo điều kiện tốt cho hàng hóa tiêu thụ và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Dự báo, 6 tháng cuối năm, sức mua của thị trường trong nước sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do có nhiều dịp lễ, tết; các chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai nhiều hơn nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội cả năm sẽ tăng khoảng 12,48% so với năm trước.

        Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm

Đối với sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Để đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2013, các đơn vị có liên quan như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần tập trung tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất. Cân đối, đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao cho các nhà máy điện tuabin khí. Ưu tiên sử dụng khí cho phát điện theo kế hoạch huy động của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia; cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo phát điện tối đa trong các tháng cao điểm mùa khô. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Đối với ngành cơ khí, Bộ Công thương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Ngoài ra, đối với hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Để gia tăng xuất khẩu, cần tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm có khối lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều.

Vấn đề đổi mới phương thức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước phải được chú trọng, trong đó cần ưu tiên những thị trường tiềm năng, các hàng hóa đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước và xuất khẩu nhưng đang gặp khó khăn. Đồng thời, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu, nhằm cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh các hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên, Bộ Công thương tiếp tục tham gia các hoạt động đàm phán song phương, đa phương để tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu như: Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam - EU...

BÁCH VIỆT

Tin cùng chuyên mục