Nguy cơ tạm ngưng hoạt động sản xuất xăng sinh học

Đến năm 2020, Việt Nam phải sản xuất và đưa vào sử dụng ít nhất 5% nhiên liệu sạch. Đó là mục tiêu mà Chính phủ đề ra nhằm hướng đến giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là đảm bảo công tác an ninh năng lượng. Điều đáng nói là trái với kỳ vọng mục tiêu đặt ra, hiện đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học đang phải tạm ngừng hoạt động.
Nguy cơ tạm ngưng hoạt động sản xuất xăng sinh học

Đến năm 2020, Việt Nam phải sản xuất và đưa vào sử dụng ít nhất 5% nhiên liệu sạch. Đó là mục tiêu mà Chính phủ đề ra nhằm hướng đến giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là đảm bảo công tác an ninh năng lượng. Điều đáng nói là trái với kỳ vọng mục tiêu đặt ra, hiện đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học đang phải tạm ngừng hoạt động.

Tạm ngừng hoạt động vì ế hàng

Bà Phạm Thu Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, tính đến cuối năm 2012, đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu xăng sinh học đi vào hoạt động. Cụ thể, nhà máy sản xuất ethanol thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh, có công suất thiết kế 130 triệu lít/năm; nhà máy thuộc Công ty TNHH Tùng Lâm, với công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất bioethanol Đắc Tô - Kon Tum với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol sinh học Dung Quất với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước thuộc PVOIL có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm. Điều đáng lo ngại là tính đến nay hầu hết các nhà máy đều đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Riêng nhà máy sản xuất ethanol thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh đang tạm dừng hoạt động.

Một điểm bán xăng sinh học tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Một điểm bán xăng sinh học tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Lý giải thực tế này, nhiều doanh nghiệp sản xuất ethanol bức xúc, tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất xăng sinh học của cả nước đạt 535 triệu lít/năm - con số khá khiêm tốn. Thế nhưng, chỉ với con số khá khiêm tốn trên cũng đã rất khó để tiêu thụ. Nguyên nhân gây trở ngại lớn nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học là do giá thành, thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho hoạt động phân phối và tiêu thụ loại xăng này còn bất cập. Các chính sách nhằm ưu đãi hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp thân thiện môi trường chưa được ban hành hoặc có nhưng chậm được triển khai trong thực tế. Ông Nguyễn Duyên Cường, Phó Trưởng ban Thương mại thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhấn mạnh, PVN là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học ra thị trường. Chi phí đầu tư ban đầu cho nhà máy sản xuất xăng sinh học rất lớn nhưng xăng sinh học sản xuất ra lại không tiêu thụ được tại thị trường trong nước.

Cần chính sách hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Từ những năm 1970, các thử nghiệm tại các nước tiên tiến đã chứng minh hỗn hợp xăng ethanol có thể sử dụng tốt cho các loại xe máy, ô tô du lịch, xe tải mà không cần sự thay đổi về kết cấu động cơ. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cũng đã cho thấy, hỗn hợp xăng pha ethanol lên tới 10% có thể sử dụng tốt cho các phương tiện này. Các tính toán của bộ cũng đã chứng minh, Việt Nam có thể thay thế tỷ lệ phối trộn 10% trên phạm vi toàn quốc vào năm 2016.

Lợi ích từ việc phát triển nhiên liệu sinh học không chỉ tạo thêm thị trường tiêu thụ cho nông sản, góp phần giảm di dân về các đô thị mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học. Cấp thiết tập trung hỗ trợ phát triển các nguồn, vùng nguyên liệu và mạng lưới phân phối phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, cần phải khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhiên liệu sinh học. Ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.

Ông Nguyễn Duyên Cường cũng đề nghị thêm, để đem lại hiệu quả như mong muốn ban đầu, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối năng lượng sinh học trong nước chưa sản xuất được; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học (E5). Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chất lượng sản phẩm và tin dùng. Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp thân thiện với môi trường trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác. Nếu Việt Nam làm được việc đó thì giá thành năng lượng sinh học mới có thể cạnh tranh được với xăng dầu truyền thống, thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, tồn tại và phát triển bền vững.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục