Food tour

Du khách nói gì?
Food tour

Với tiềm năng và thế mạnh của ẩm thực, chúng ta phải làm gì để “Food tour” trở thành đặc sản trong du lịch? Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia của các ngành, nghề liên quan đến “Food tour”.

Food tour ảnh 1

Ông CHIÊM THÀNH LONG - Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới:
“Cần một tổng chỉ huy

Để phát triển “Food tour”, theo tôi, bất cứ một nhà hàng nào cũng có “set menu” - thực đơn món ăn chuẩn - nên các hãng lữ hành cần đặt hàng các món mới, trên cơ sở đó chúng tôi rất sẵn sàng đáp ứng đúng yêu cầu. Các hãng lữ hành có quyền thay đổi thực đơn theo nhu cầu bởi hơn ai hết họ hiểu du khách của họ thích món ăn gì, ăn ở đâu?... Bên cạnh đó, để phát triển “Food tour” các nhà hàng cần xây dựng những chương trình biểu diễn nghệ thuật gắn với ẩm thực, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách.

Ngoài ra, để đạt đẳng cấp “Food tour” sánh vai nhiều quốc gia trong khu vực cần có người “tổng chỉ huy” về ẩm thực đứng ra kết nối các nhà hàng, quán ăn, lữ hành và các dịch vụ phụ trợ khác để cùng làm nên những sự kiện “Food tour”. Bình Quới đã từng làm nhiều sự kiện ẩm thực như: Món ngon 3 miền, Ngày hội quê tôi, Lễ hội rượu vang… khá thành công nhưng mới dừng lại ở riêng Bình Quới. Chúng tôi rất sẵn sàng cùng các hãng lữ hành xây dựng, quảng bá sự hấp dẫn, độc đáo của ẩm thực Việt Nam trong sản phẩm “Food tour”.

Food tour ảnh 2

Đầu bếp NGUYỄN THANH TÙNG - Bếp trưởng Hệ thống nhà hàng Givral:
“Các đại sứ quán là sứ giả ẩm thực”

Theo tôi, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài là một kênh quảng bá ẩm thực Việt Nam rất tốt bằng cách tổ chức những buổi giao lưu ẩm thực, festival về các món Việt, qua đó giới thiệu, giải thích cho khách biết nguồn gốc món ăn từ đâu? Âm, dương, hàn, nhiệt như thế nào? Món ăn Việt có gì khác biệt với món ăn các nước khác? Cần chú ý là phải giới thiệu được những món ăn chính thống mang quốc hồn, quốc túy để bạn bè quốc tế nhìn là biết món ăn của Việt Nam, không nên chế biến lai căn. Ví dụ như dù ở nước ngoài nhưng khi chế biến món ăn Việt phải cố gắng sử dụng nguyên liệu của Việt Nam. Việc quảng bá ẩm thực phải thường xuyên và rộng rãi. Bên cạnh đó, cần mời những đầu bếp nước ngoài đến Việt Nam giao lưu, qua đó quảng bá ẩm thực Việt. Hiện nay, tại TPHCM đã có CLB đầu bếp chuyên nghiệp, vì vậy cần khai thác thế mạnh của từng đầu bếp để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tập hợp tài năng.

Food tour ảnh 3

Ông LƯƠNG THẾ VY - Giám đốc Hãng lữ hành Vietnam Travel Guide:
“Tổ chức Event ẩm thực tầm cỡ”

Tôi mong ước Việt Nam tập trung, dồn sức vào làm những sự kiện ẩm thực mang đẳng cấp quốc tế, rồi quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, như CNN chẳng hạn. Các ngành khác cũng cùng vào cuộc, ví dụ như hàng không sẽ giảm giá cho du khách đến dự sự kiện ẩm thực; các hãng lữ hành, khách sạn có nhiều chương trình khuyến mãi, tiếp đón khách chu đáo. Mỗi năm ta làm vài ba lần và khi thế giới biết đến ẩm thực Việt Nam, nguyên liệu ẩm thực Việt sẽ trở nên có thương hiệu, xuất khẩu đi được nhiều quốc gia. Bên cạnh những sự kiện hàng năm, ẩm thực cần chọn khoảng chục món tiêu biểu thuần Việt để làm điểm nhấn nhằm tạo sự khác biệt và thương hiệu hóa chúng rồi quảng bá ra nước ngoài thường xuyên bằng nhiều hình thức. Khi ẩm thực Việt có thương hiệu thì các hãng lữ hành như chúng tôi sẽ dễ bán tour và sẵn sàng mở chương trình “Food tour” đưa khách đến thưởng thức.

Tấn Việt 

Food tour ảnh 4
Food tour ảnh 5

“Ngày thuần Việt” cùng Saigon Hotpot

Trong khi các công ty lữ hành tổ chức “Food tour” không thường xuyên và không có tính liên kết với các nhà hàng cũng như không tạo được không khí ẩm thực thuần Việt như nhiều du khách mong muốn thì một nhóm tình nguyện viên sinh viên đã tổ chức mô hình du lịch này, tuy quy mô không lớn nhưng kết quả thu được không nhỏ. Mỗi tháng một lần, nhóm Saigon Hotpot tổ chức “Ngày thuần Việt” để hướng dẫn miễn phí cho du khách cách tham gia chế biến các món ăn VN tại gia đình của các thành viên trong nhóm như chả giò, bánh cuốn, canh chua cá lóc, rau muống xào tỏi…

“Ngày thuần Việt” là kết quả mà nhóm rút ra được sau hơn 8 tháng làm “free guider” (hướng dẫn viên tình nguyện miễn phí). Trưởng nhóm Lâm Thị Thúy Hà (Trường ĐHKHXH - NV TPHCM) cho biết: “Tham gia hướng dẫn miễn phí cho du khách nước ngoài tham quan thành phố, mình nhận thấy họ có nhu cầu tìm hiểu về bữa ăn truyền thống của người VN nhưng không sao tìm được một “Food tour” như vậy. Vì thế, nhóm mình mới nảy ra ý định tổ chức “Ngày thuần Việt””.

Theo Hà, khi tổ chức chương trình này, nhóm không chỉ muốn giới thiệu đến du khách món ăn VN mà quan trọng hơn các bạn còn muốn giúp họ được sống trong một không khí gia đình VN với một bữa ăn thuần Việt thật ấm cúng. Du khách được tham gia nấu ăn như một thành viên trong gia đình, tạo không khí vui vẻ, gắn bó giữa du khách và người dân.

Chi phí cho hoạt động này là từ nguồn quỹ của nhóm. Du khách tham gia vào “Ngày thuần Việt” hoàn toàn miễn phí. Nhóm cũng thường làm thiệp, các loại trang sức “handmade” (làm bằng tay) để bán, tạo nguồn quỹ cho nhóm. Tuy nhiên, do nguồn quỹ này rất hạn hẹp nên mỗi lần tổ chức “Ngày thuần Việt” chỉ giới hạn sự tham gia từ 5-15 du khách. Nhóm đang cố gắng đưa “Ngày thuần Việt” trở thành một hoạt động thường xuyên.

NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục