Cú hích cho cộng đồng khởi nghiệp

Speed Up 2017 là chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp được Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM phát động từ đầu năm 2017, cho phép các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp (startup) nhận nguồn vốn hỗ trợ tối đa tới 2 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 10 dự án tiếp nhận thành công kinh phí hỗ trợ; số dự án này được kỳ vọng tạo ra những công nghệ lõi mới, nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm cú hích cho cộng đồng khởi nghiệp thành phố.  
Một trong số dự án nhận được nguồn vốn hỗ trợ ở đợt đầu là Magix (thuộc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC). Đây là startup đầu tiên ở Việt Nam cung cấp các giải pháp đóng gói tối ưu, thông qua việc sáng tạo, phát triển các thiết kế đóng gói và các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp kèm theo.
Một số sản phẩm được khách hàng ưa chuộng như hộp đựng quần áo có thể gấp thành móc treo, hộp giá sách, hộp khung ảnh hay hộp gói hàng nhanh…, giúp giảm thời gian đóng gói xuống 30%, nhưng vẫn có khả năng chịu lực.
“Hiện tại startup có hơn 100 khách hàng nhỏ lẻ, 98 khách hàng đặt thiết kế hộp riêng và 8 khách hàng lớn là các trung tâm thương mại điện tử uy tín”, anh Đỗ Hữu Tân, nhà sáng lập Magix, cho biết. Tuy mới thành lập 1 năm nhưng doanh thu của Magix đã đạt 2,1 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng hơn 30%  mỗi tháng. Đó là lý do để dự án này đoạt giải á quân cuộc thi Startup Wheel 2014, top 100 Shark Tank và vừa giành được gói hỗ trợ 1 tỷ đồng từ chương trình Speed Up 2017.
Theo Sở KH-CN, sau hơn 8 tháng triển khai, đã có 14 startup trên cả nước tiếp nhận thành công 11,75 tỷ đồng nguồn vốn “mồi” của Speed Up 2017. Trong số này, có 1 startup tự do và 13 startup đến từ các vườn ươm khác nhau; hoạt động trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp...
Mức hỗ trợ cao nhất dành cho một dự án là 1,282 tỷ đồng và thấp nhất là 350 triệu đồng. Đổi lại, chương trình sẽ giữ một tỷ lệ phần trăm cổ phần nhất định trong mỗi dự án, tùy theo thương lượng. Một số dự án tiêu biểu như: TeamUp.vn - Giải pháp quản lý dự án và công việc toàn diện cho doanh nghiệp; Máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu TCS; Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh - Lucky Telecom; HANA - Trợ lý thông minh …
Theo ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN), điều đặc biệt là nguồn vốn của Speed Up 2017 được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng ngân sách sẽ không rót trực tiếp vào doanh nghiệp (DN) mà thông qua 11 vườn ươm đã được sở tuyển chọn. Các vườn ươm sẽ cung cấp hoặc liên kết với các đơn vị khác để cung cấp dịch vụ tương ứng với số tiền hỗ trợ cho DN khởi nghiệp.
Cũng theo ông Đỗ Nam Trung, các nhóm dự án khởi nghiệp và vườn ươm sẽ ký kết hợp đồng hỗ trợ. Nội dung hợp đồng nói rõ các chương trình hỗ trợ, các dịch vụ cung cấp cho DN, tương ứng với số tiền nhất định. Số tiền hỗ trợ tùy thuộc vào đánh giá của một hội đồng chuyên môn. Sau khi DN tốt nghiệp có khả năng gọi vốn đầu tư từ bên ngoài, các đối tác đầu tư sẽ định giá lại DN đó. Định giá xong, trừ hết mọi chi phí hoạt động, vận hành, lợi nhuận đó sẽ được DN hoàn lại bằng đúng với kinh phí mà vườn ươm hỗ trợ ban đầu. 
Với các quy định chặt chẽ nhưng không quá khó để tiếp cận, thông qua Speed Up 2017, Sở KH-CN TPHCM mong muốn hỗ trợ hiệu quả hơn cho các ý tưởng khởi nghiệp mang tính đột phá, sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM sớm trở thành TP thông minh, một trung tâm KH-CN của cả nước và khu vực.
Mục tiêu của TPHCM là đến năm 2020 có khoảng 500.000 DN hoạt động. Không chỉ là số lượng, các DN này cần phải hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 là hoạt động thiết thực của Sở KH-CN để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. 
Đồng chí LÊ THANH LIÊM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục