Cụ thể hóa bước đi, nguồn lực để chuyển biến đạo đức xã hội

Tình trạng suy thoái đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền đang diễn ra khá lo ngại. Giải pháp cụ thể nào để chấn chỉnh tình trạng này? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Tất Thắng
Ông Phạm Tất Thắng

- PHÓNG VIÊN: “Kinh tế đi lên nhưng đạo đức xã hội có phần xuống cấp”. Ông có suy nghĩ gì về nhận định được dư luận đề cập gần đây?

>> Ông PHẠM TẤT THẮNG: Nhận định này xuất phát từ thực tế và cũng có cơ sở. Nói đạo đức xã hội có phần xuống cấp, dù chúng ta có thể coi đó là hiện tượng cá biệt. Biểu hiện rõ nhất mà hiện nay chúng ta thường gọi một từ chung là “vô cảm”.

Vô cảm biểu hiện trong nhiều hoạt động của xã hội, từ việc người dân đi ngoài đường thấy các vụ tai nạn, đánh nhau, các sự cố… nhưng né tránh, không hỗ trợ, không can ngăn vì sợ bị liên lụy; nhiều trường hợp cán bộ, công chức bị người dân lên án vì làm việc thiếu cái tình, làm việc một cách máy móc, không có sự thông cảm với hoàn cảnh của người dân... 

Đạo đức xã hội xuống cấp thể hiện ở những hiện tượng khác như bạo lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà đặc biệt gần đây dư luận chú ý nhiều đến bạo lực học đường: học sinh đánh nhau, thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh thầy giáo... cho đến những vụ dâm ô khá nghiêm trọng mà nạn nhân phần nhiều là trẻ em, là người thân người quen trong gia đình. Những vụ việc đó dù là cá biệt nhưng dư luận hết sức băn khoăn: Phải chăng đó là biểu hiện rõ nhất của việc đạo đức xã hội xuống cấp? Tại nghị trường Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, đã chất vấn về nội dung này. Những thành tựu về kinh tế, về an sinh xã hội thì rất rõ, nhưng dường như chúng ta chưa dành sự quan tâm thích đáng tới việc thực hiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam mới, xây dựng, củng cố đạo đức xã hội, củng cố văn hóa truyền thống. Đó là một việc mà trong  thời gian tới chúng ta cần dành sự quan tâm nhiều hơn.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mà ông vừa đề cập?

Chúng ta thường chỉ ra một nguyên nhân rất chung, mang tính công thức và dường như có một sự đổ lỗi, đó là mặt trái của kinh tế thị trường. Cái đó thì chắc chắn đúng nhưng nói vậy thì đơn giản quá. Kinh tế thị trường là tất yếu, là đương nhiên mà chúng ta phải theo. Khi đã nhận diện những mặt tích cực bên cạnh những mặt trái thì phải có giải pháp để chấn chỉnh khắc phục hữu hiệu mặt trái đó. Chúng ta vẫn thường nói phát triển bền vững kinh tế, xã hội, nhưng dường như chúng ta quan tâm nhiều hơn đến yếu tố kinh tế mà ít quan tâm, hoặc quan tâm chưa thỏa đáng đến vấn đề xã hội. Văn hóa xã hội là xây dựng con người. Đã đến lúc chúng ta có điều kiện và phải dành thời gian hơn cho việc này.

- Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra, kể cả trong phiên trả lời chất vấn mới đây nhất của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo ông đã đầy đủ? 

Những giải pháp nêu ra trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như lãnh đạo Chính phủ trước Quốc hội vừa rồi đều rất đúng, đầy đủ, nhưng dường như vẫn chưa có bước đi cụ thể cho giai đoạn này. Chủ trương, giải pháp đã rất đúng, nhưng nếu không cụ thể, không dành những giải pháp, sự quan tâm cụ thể thì sẽ không tạo ra những bước chuyển cụ thể theo định hướng của chúng ta. Do đó, tới đây, cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng cần có bước đi, nguồn lực cụ thể hơn.

- Như ông mong muốn và đề xuất, thì chúng ta nên chú trọng giải pháp nào để có thể chuyển biến tình hình trong thời gian tới?

Trước hết cần quan tâm giáo dục nhân cách, lối sống cho xã hội, mà trước tiên cần bắt đầu từ nhà trường, thế hệ trẻ. Hiện nay, dường như giáo dục của chúng ta vẫn đang chú trọng vào việc dạy chữ mà ít dạy người; chú trọng vào dạy kiến thức mà ít chú trọng dạy kỹ năng, lối sống, văn hóa. Điều này báo chí, dư luận đã nói nhiều và hy vọng tới đây, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì ngành giáo dục sẽ thực hiện đúng những yêu cầu về phẩm chất, năng lực học sinh mà chương trình mới đã đề ra. Cùng với đó, là giáo dục gia đình. Đã đến lúc người lớn chúng ta không thể chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế, lo làm ăn, lo cho con cái có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt. Điều đó chưa đủ, mà bố mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, giáo dục con cái, củng cố văn hóa gia đình. Song song đó là củng cố đạo đức xã hội. Mỗi một cá nhân trước hết là một thành viên tốt trong gia đình, sau đó là một thành viên tốt trong xã hội, từ đó góp phần chuyển biến đạo đức xã hội nói chung.

Quan trọng nhất, đã đến lúc, cả hệ thống chính trị phải dành sự quan tâm thích đáng đến công việc này, từ nhận thức cho tới hành động. Các chủ thể gia đình, nhà trường, xã hội cùng làm tốt việc này thì chắc chắn đạo đức xã hội sẽ chuyển biến tích cực.

- Một giải pháp quan trọng nữa cũng cần phải được làm tốt trong thời gian tới, đó là phải hoàn thiện các chế tài để xử lý những vi phạm đạo đức, thưa ông?

Đúng là vừa qua có những biểu hiện vi phạm đạo đức xã hội nhưng pháp luật không theo kịp thực tiễn để xử lý. Đó cũng là điều tất nhiên thôi, vì xã hội vận động, phát triển rất nhanh. Pháp luật thì ổn định, có độ trễ nhất định, nên có sự không theo kịp với thực tiễn. Ví dụ vừa qua chế tài xử lý hành vi dâm ô trong thang máy, trên xe buýt rất lúng túng, không đủ sức răn đe, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bởi có thể trước đây chúng ta chưa hình dung sẽ có những hành vi này, nay đã có và có thể ngày càng phức tạp hơn nếu không ngăn chặn. Do đó cần có những chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn để xử lý những vấn đề đang diễn ra. Đồng thời, các cơ quan chức năng khi đã phát hiện ra những vụ việc đó thì cũng cần xử lý triệt để mang tính răn đe, không để gây bức xúc trong dư luận.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục