Cử tri Vân Đồn (Quảng Ninh) được lấy ý kiến về việc thành lập đặc khu

Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Quốc hội thảo luận. 
Chùa Cái Bầu nhìn ra vịnh Bái Tử Long, một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Vân Đồn
Chùa Cái Bầu nhìn ra vịnh Bái Tử Long, một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Vân Đồn

Được nghiên cứu, chuẩn bị từ 2014, dự án luật này được kỳ vọng sẽ xây dựng nên những đặc khu kinh tế của Việt Nam, làm động lực cho nhiều nơi cùng cất cánh.

Mục tiêu xây dựng luật là tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Khi trình bày dự luật này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh ngoài thể chế hóa đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, Việt Nam còn cần chủ động xây dựng một mô hình phát triển mới với những thể chế đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành, cùng với soạn thảo Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã triển khai nhiều công trình hạ tầng lớn nơi đây. Trong ba năm 2015-2017, cùng với việc xây dựng Đề án thành lập đặc khu, tỉnh đã thu hút khoảng 36.000 tỷ đồng vào chuỗi dự án hạ tầng giao thông quan trọng, nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000-7.000 tỷ đồng. Có thể kể đến như cầu Bạch Đằng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp khởi công. Trong đó, Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh là điểm nhấn quan trọng về hạ tầng giao thông cho đặc khu, kết nối với di sản Hạ Long, Móng Cái, kết nối quốc tế Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE.  Đến cuối năm nay, khi Quảng Ninh hoàn tất các dự án cao tốc, từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ, thay vì hơn 5 tiếng hiện nay.

Đặc biệt, sân bay Vân Đồn có tổng mức đầu tư trên 7.400 tỷ đồng theo hình thức BOT, đây là sân bay BOT đầu tiên của cả nước mà tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư chiến lược triển khai.  Là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, dùng chung dân dụng và quân sự, sân bay Vân Đồn có diện tích khoảng 400ha, có quy mô cấp 4E, đảm bảo khai thác máy bay B777 hoặc tương đương. Dự kiến vận hành khai thác vào đầu năm 2018,  trong ba năm tới sẽ có công suất 2 triệu hành khách, 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Cùng với đó, nhà đầu tư chiến lược cũng đã triển khai Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Vân Đồn có quy mô hơn 2.500 ha được kỳ vọng là khu dịch vụ du lịch phức hợp tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nằm cạnh cung đường ôm sát bờ biển của vịnh Bái Tử Long (vườn di sản thứ 38 của ASEAN), dự án bao gồm cả casino (thí điểm cho người Việt vào chơi), sân golf, khách sạn 5 sao… Hiện Quảng Ninh đã triển khai giai đoạn đầu có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5.000 tỷ đồng.

Là một trong những địa phương chủ động, tích cực nhất trong việc xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thời gian qua, Quảng Ninh đã chuẩn bị các bước cần thiết để lấy ý kiến của các bộ ngành, đơn vị liên quan. Mặc dù vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Trung ương, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã quyết định lấy ý kiến cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập đặc khu Vân Đồn.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ thực hiện lấy ý kiến cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập đơn đặc khu Vân Đồn. HĐND từ cấp xã đến cấp tỉnh sẽ thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thông qua về Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn. Trước ngày 31-10 sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri theo địa bàn thôn, khu phố. Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn được UBND tỉnh Quảng Ninh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm. Phiếu lấy ý kiến cử tri theo hộ gia đình có 2 phần: đồng ý và không đồng ý thành lập đặc khu Vân Đồn.

Theo bà Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiến hành lấy ý kiến các ĐBQH về đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, đa số các ĐBQH đều đồng tình, thống nhất cao về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế tại Vân Đồn. Đặc khu sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý.

Vân Đồn cũng sẽ thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải coi khu kinh tế hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để thu hút đầu tư phát triển.

Bộ KH-ĐT cũng kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Tin cùng chuyên mục