Cửa hàng tiện lợi tăng sức tiêu thụ hàng hóa

Theo thông tin từ Sở Công thương TPHCM, quy mô đóng góp của ngành thực phẩm, đồ uống trong tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TPHCM đã được nâng từ mức 2,83% (6 tháng đầu năm 2017) lên 2,97% (6 tháng đầu năm 2018). Qua đó, giúp GRDP (riêng khu vực công nghiệp) tăng 2,31% và GRDP thành phố tăng thêm 0,43% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2017.
Hệ thống phân phối hàng hóa mở rộng đã góp phần kích cầu tiêu dùng trên thị trường
Hệ thống phân phối hàng hóa mở rộng đã góp phần kích cầu tiêu dùng trên thị trường

Lý giải thực tế trên, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, đó là do chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp. Hiện thành phố có 1.609 cửa hàng tiện lợi, tăng 509 cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2017. Riêng các doanh nghiệp bình ổn thị trường ngành lương thực - thực phẩm đến nay đã phát triển được 4.027 điểm bán. Sự gia tăng mạng lưới phân phối trên đã giúp các doanh nghiệp có thêm kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, hình thức mua sắm được chuyển đổi theo hướng thường xuyên hơn với gói mua hàng nhỏ hơn, phù hợp nhu cầu đáp ứng nhanh và tiện lợi bởi các cửa hàng nhỏ. 

Một nguyên nhân khác, trong nhiều năm qua, thành phố đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, qua đó góp phần ổn định giá cả các mặt hàng. Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm năm nay có 10 nhóm mặt hàng, chiếm 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường và 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng tết. Hiện số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống trên địa bàn thành phố tăng trưởng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua (theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM). 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành thực phẩm, đồ uống hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong công nghiệp chế biến. Trong thời gian tới, dự báo liên kết vùng sẽ diễn ra mạnh mẽ giữa TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn, sẽ tiếp tục đầu tư ra các tỉnh hoặc di dời cơ sở sản xuất đến các tỉnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Riêng đối với ngành sản xuất đồ uống, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, cộng với việc Chính phủ đang xem xét trình ban hành các quy định hạn chế sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới (như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác) có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Để tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở chế biến thực phẩm còn duy trì chiến lược phát triển sản xuất trên địa bàn, sở tập trung tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm, đồ uống; triển khai chương trình bình ổn thị trường; tăng kết nối cung - cầu hàng hóa; tăng cường hướng dẫn phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục tham mưu UBND TPHCM hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm theo thỏa thuận phối hợp giữa thành phố và Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố.

Tin cùng chuyên mục