Hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và TP Hà Nội

Cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành

“Với truyền thống năng động, sáng tạo và làm quen với cơ chế thị trường từ rất sớm, TPHCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào xã hội và có kinh nghiệm, những bước đi đột phá trong quá trình phát triển. TP Hà Nội rất mong học tập ở TPHCM kinh nghiệm trong quản lý đô thị, xã hội hóa đầu tư và quản lý các khu công nghiệp”. Đó là phát biểu mở đầu của Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu Đoàn đại biểu TP Hà Nội trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu TPHCM do Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu diễn ra vào chiều 17-9 tại TPHCM.
Cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành

“Với truyền thống năng động, sáng tạo và làm quen với cơ chế thị trường từ rất sớm, TPHCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào xã hội và có kinh nghiệm, những bước đi đột phá trong quá trình phát triển. TP Hà Nội rất mong học tập ở TPHCM kinh nghiệm trong quản lý đô thị, xã hội hóa đầu tư và quản lý các khu công nghiệp”. Đó là phát biểu mở đầu của Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu Đoàn đại biểu TP Hà Nội trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu TPHCM do Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu diễn ra vào chiều 17-9 tại TPHCM.

“Không có chuyện 24 mảnh quy hoạch đô thị!”

Cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (phải) tặng quà lưu niệm cho Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Không câu nệ, khách sáo, đồng chí Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội nêu thẳng những vấn đề khá “nóng và vướng mắc” hiện nay của Hà Nội. Trả lời những những băn khoăn trong “phân cấp quy hoạch”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, TPHCM quan niệm quy hoạch là nền tảng để xây dựng và quản lý tốt đô thị, do vậy, TPHCM huy động lực lượng rất lớn các nhà khoa học tham gia, đặc biệt là thuê các chuyên gia nước ngoài, các tập đoàn tư vấn thiết kế có uy tín trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

TPHCM dành ra 1 triệu USD để tổ chức thi đồ án Khu đô thị Thủ Thiêm; thuê chuyên gia hàng đầu thế giới làm quy hoạch tổng thể TPHCM và quy hoạch 3 ô phố khu trung tâm quận 1. Còn Quy hoạch 1/2000, TPHCM giao cho Chủ tịch UBND quận-huyện chịu trách nhiệm. “Nhưng không có chuyện thành 24 mảnh quy hoạch riêng lẻ!” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua giải thích. Là người từng phụ trách mảng đô thị khi còn là Phó Chủ tịch UBND TP, nên ông Đua khá am hiểu: “Giao quận-huyện là bởi vì chỉ có người địa phương mới hiểu rõ địa bàn do mình quản lý, nhưng TP chịu trách nhiệm phê duyệt cuối cùng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung, nhất là bảo đảm sự kết nối thống nhất hạ tầng kỹ thuật”. Hiện nay, TPHCM đang xây dựng quy chuẩn trong xây dựng đô thị đối với từng khu vực như về lộ giới, mật độ xây dựng, chiều cao công trình…

Xây dựng lại chung cư cũ - làm thế nào hợp lòng dân và nhà đầu tư?

Cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành ảnh 2

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và TP Hà Nội chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp TPHCM và doanh nghiệp Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Với 23 chung cư cũ-nơi cư ngụ của 160.000 người dân, Hà Nội đang vướng trong vấn đề cải tạo, chủ yếu về huy động vốn, tái định cư, nhà tạm cư, việc làm, nhà đầu tư kinh doanh có lãi… nên Hà Nội rất muốn biết kinh nghiệm của TPHCM” - đại biểu đoàn Hà Nội bức xúc nêu vấn đề. Nhưng quả tình, đó cũng là cái vướng chung của hai TP. Từ nay đến năm 2020, TPHCM phải xây dựng lại 168 chung cư cũ, trong đó có 58 chung cư cần xây gấp. Nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, mới đây, TPHCM đưa ra một chủ trương khá mạnh tay với một loạt các giải pháp tháo gỡ như cho phép nâng hệ số sử dụng đất, nâng tầng cao phù hợp, cho phép nhà đầu tư có thể dành một số diện tích thích hợp để sử dụng làm văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, dịch vụ chung cư…

Song song đó, để ổn định cuộc sống người dân, TPHCM ưu tiên những hộ dân tái định cư tại nơi ở cũ được tham gia vào các hoạt động như giữ xe, bảo vệ, trông coi trẻ hay tham gia các dịch vụ cá nhân phục vụ cộng đồng tại chỗ. Với chủ trương này, TPHCM sẽ không phải chi ngân sách xây chung cư, người dân không tốn quá nhiều tiền để được tái định cư ngay tại nơi ở cũ, mật độ dân số không tăng, doanh nghiệp vẫn có nhiều khả năng thu hồi vốn và có lãi.

Ở chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), bà con biết 3 năm nữa sẽ ở trong căn hộ nào, rộng bao nhiêu mét vuông, sinh sống ra sao, nên rất ủng hộ chính quyền di dời để xây dựng chung cư mới. Dù đó mới chỉ là chủ trương và còn phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho tái định cư ở TPHCM, nhưng giữa hai TP đã có những trao đổi kinh nghiệm rất quý giá.

“Ngầm hóa” các công trình trên truyến đường - trăn trở đó của Hà Nội cũng là bức xúc của TPHCM bấy lâu nay. Điển hình, công trình xây dựng đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa chậm tiến độ một phần là vướng những công trình “ngầm hóa” do 5-10 ngành chuyên môn quản lý (điện, nước, thoát nước, cáp quang…). Mỗi ngành có một kế hoạch tu bổ, làm mới, từ đó xảy ra tình trạng đào, rồi lấp mặt đường bừa bãi.

Trước thực trạng này, TPHCM vừa lên phương án: sẽ có một tổng thầu để “ngầm hóa” các công trình nói trên dưới lòng đường! Nhưng muốn được vậy, TPHCM sẵn sàng ứng vốn trước cho các đơn vị thi công cùng một lúc “ngầm hóa” các công trình hạ tầng kỹ thuật, rồi sau này các ngành sẽ thanh toán lại cho TPHCM. Sắp tới TPHCM sẽ ban hành quy chế về việc này. Nói về vốn đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê cho biết có 3 kênh huy động: phương thức B.O.T thu phí giao thông; đấu giá quyền sử dụng đất; nhà nước và nhân dân cùng làm. 

“Giữa TPHCM và TP Hà Nội có nhiều vướng mắc, trăn trở giống nhau. TPHCM rất muốn học tập kinh nghiệm quý, cách làm hay của TP Hà Nội. Tôi đề nghị hai TP chúng ta phối hợp, cùng tập trung nghiên cứu một vài lĩnh vực hóc búa nhất, nan giải nhất trong quản lý đô thị (chẳng hạn như đền bù giải tỏa và xử phạt vi phạm hành chính) để đề xuất với Trung ương tháo gỡ.”
(Trích ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tại buổi làm việc)



TP Hà Nội “mê” công tác xã hội hóa của TPHCM

TP Hà Nội tỏ ra “mê” công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các cơ sở trường học và y tế của TPHCM. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đúc kết 2 bài học: thi công ứng vốn và đầu tư thông qua chương trình vay kích cầu. Ông bật mí cách làm: Đối với các trường học chưa bố trí được vốn trong kế hoạch năm, TPHCM cho phép nhà thầu ứng vốn thi công, sau khi đưa vào sử dụng, ngân sách TP sẽ bố trí vốn chi trả sau.

Nhờ cách làm này, TPHCM đầu tư 179 trường học, trong đó xây mới 2.000 phòng học với tổng vốn 1.190 tỷ đồng. Bằng chủ trương của TPHCM là cho vay kích cầu theo hình thức ngân sách bù lãi vay 100%, các nhà đầu tư được phép trả vốn lẫn gốc trong quá trình hoạt động sau đầu tư. Đây là hình thức đang được các cơ sở sự nghiệp, công lập và tư nhân hưởng ứng mạnh. UBND TP đã ban hành quy chế quản lý việc vay vốn, trả nợ vay, hỗ trợ lãi vay. Với cách làm trên, trong tổng số 62 dự án giáo dục, 39 dự án đào tạo dạy nghề với tổng vốn vay 900 tỷ đồng, đến nay, TPHCM đã giải ngân trên 400 tỷ đồng…

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục