Cuộc chiến bất phân thắng bại

Thế giới đang tiến dần tới cuộc chiến tranh thương mại sau khi hàng loạt nước tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10% với nhôm và 25% với thép nhập khẩu. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy dường như các cuộc chiến thương mại không có người thắng mà chỉ có kết cục là các bên đều thiệt hại.
Ngành thép Mỹ vẫn khó phát triển bất chấp chính sách bảo hộ từ lâu
Ngành thép Mỹ vẫn khó phát triển bất chấp chính sách bảo hộ từ lâu

Gậy ông đập lưng ông

Theo tờ New York Times, có vẻ như Tổng thống Donald Trump nghĩ, Mỹ sẽ “dễ dàng” chiến thắng trong cuộc chiến thương mại mà ông mong muốn. “Các cuộc chiến thương mại không phải là tồi tệ”, ông Donald Trump nói tại Nhà Trắng hôm 7-3. Điều đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn, liệu ông Trump đã nghĩ đến những cuộc chiến thương mại nào? 

Cuộc chiến thương mại nổi bật nhất của thế kỷ 20 khởi xướng từ Mỹ với luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, áp đặt mức thuế cao đối với khoảng 20.000 hàng nhập khẩu. Canada - đối tác thương mại lớn của Mỹ, đã dẫn đầu hành động trả đũa bằng cách tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ, khiến hàng hóa Mỹ vào Canada giảm 61% từ năm 1929 đến năm 1933. 

Các nhà sử học và các nhà kinh tế vẫn tiếp tục tranh luận về mức độ tàn phá của nền kinh tế toàn cầu khi xảy ra chiến tranh thương mại. Nhưng đa số đều thống nhất rằng, luật thuế quan Smoot-Hawley và cuộc chiến thương mại sau đó đã làm trầm trọng thêm và kéo dài những gian nan của thời kỳ đại suy thoái 1930. Nhiều nhà sử học cho rằng, nó cũng góp phần vào sự phát triển của Đức quốc xã và các đảng thân phát xít khác. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, không ai thắng trong cuộc chiến thương mại.

Joshua Meltzer, thành viên cao cấp tại Viện Brookings, giảng viên luật thương mại quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nói rằng Smoot-Hawley “là thảm họa đã ảnh hưởng đến chính sách thương mại của Mỹ trong hơn 80 năm qua. Không ai muốn lặp lại điều đó”. Ông gọi những lời bình luận của ông Donald Trump về các cuộc chiến thương mại là “một sự khởi đầu kịch tính” của nền kinh tế.

Marc-William Palen, Giáo sư lịch sử tại Đại học Exeter, Anh và là tác giả của cuốn sách The Conspiracy, cho biết: “Câu hỏi ai thắng?” trong cuộc chiến thương mại sẽ có câu trả lời dễ dàng rằng, không ai thắng. Theo ông, xem xét sự cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Canada vào thế kỷ 19, có vẻ như những người chiến thắng là những quốc gia không tham gia chiến tranh thương mại. Cuộc chiến tranh thương mại vào cuối thế kỷ 19 giữa Canada và Mỹ làm cho xuất khẩu của Canada vào Mỹ giảm mạnh, dẫn tới việc Canada đi tìm thị trường xuất khẩu sang Anh. Vì vậy, “đế quốc Anh là người chiến thắng”, ông nói.

Theo Giáo sư Palen, trong bối cảnh Mỹ áp đặt đạo luật thuế Smoot-Hawley, các nước như Italia phải từ bỏ hàng nhập khẩu hàng của Mỹ và tiếp tục mua bán với Liên Xô, tạo ra các liên kết thương mại thân thiết Liên Xô - Italia cho tới Nga - Italia ngày nay. Cần nhắc lại rằng, sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và những diễn biến lịch sử sau đó, phần lớn các đối tác thương mại phương Tây tránh né giao thương với Nga.

Một trường hợp khác về quốc gia “chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại xảy ra vào cuối thế kỷ 19, khi Italia áp đặt mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Pháp để thúc đẩy công nghiệp hóa trong nước. Pháp - giàu hơn và mạnh mẽ hơn, trả đũa bằng thuế quan đối với Italia và xuất khẩu của Italia sang Pháp sụp đổ. Ngay cả sau khi Italia từ bỏ thuế quan, Pháp vẫn tiếp tục trừng phạt Italia trong nhiều năm với mức thuế cao. John Conybeare - Giáo sư Đại học Iowa và là tác giả của cuốn sách Trade Wars, nói: “Pháp đã chiến thắng trong ý nghĩa chiến tranh thương mại tàn bạo do người Italia khởi xướng”.

Giáo sư Conybeare cho biết thêm, bài học kinh nghiệm lâu dài từ xung đột thương mại là, nếu có sự chênh lệch lớn về sức mạnh kinh tế giữa hai nước, thì nước mạnh hơn có lẽ sẽ chiếm ưu thế. Vì vậy, điều này có thể đúng với các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn so với Mỹ, nhưng đối với các đối tác thương mại có quy mô tương đương hoặc thậm chí lớn hơn Mỹ, chẳng hạn như Liên minh châu Âu và Trung Quốc, cả hai bên đều thua cuộc. Ông trích dẫn những gì đã được gọi là “cuộc chiến gà” đầu những năm 1960 - một cuộc tranh chấp thương mại đã chấm dứt khi Đức và Pháp áp thuế lên gà nhập khẩu của Mỹ. Washington trả đũa bằng cách áp đặt thuế quan lên hàng loạt hàng hóa, bao gồm rượu của Pháp, xe tải hạng nhẹ và xe buýt Volkswagen. Mỹ thậm chí còn đe dọa sẽ giảm sự hiện diện của quân đội ở châu Âu. Bất chấp những áp lực này, Cộng đồng Kinh tế châu Âu mới thành lập đã không nao núng và cuối cùng Mỹ vẫn thua. Tuy nhiên, những người thua cuộc lớn nhất là những người tiêu dùng Mỹ và châu Âu, vì họ không có lựa chọn trên thị trường và buộc phải trả giá cao hơn cho nhiều mặt hàng.

Cũng phải kể đến những hậu quả không mong muốn. Điển hình như các nhà sản xuất ô tô Mỹ, được cách ly khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài bằng thuế quan, không hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoặc giảm chi phí, khiến cho Chrysler và General Motors bị phá sản.

Ngành thép của Mỹ được ưu ái từ lâu

Kể từ Thế chiến II, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã nhận được bảo bọc nhiều hơn từ thuế quan và hạn ngạch so với bất kỳ ngành công nghiệp nào khác. Giáo sư Conybeare nói: Họ chỉ sử dụng cách bảo hộ để tăng giá, gia tăng lợi nhuận, trả lương cho giám đốc điều hành nhiều hơn, mà không tự động hóa và giảm chi phí. Do đó, ngành thép của Mỹ đang sử dụng công nghệ lỗi thời. Đó là lý do tại sao họ không thể cạnh tranh cho tới tận ngày nay. 

Bất chấp chính sách bảo hộ ngành thép từ lâu, lực lượng lao động ngành thép tại Mỹ suy giảm liên tục. Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, việc làm trong ngành thép ở Mỹ đã giảm từ 135.000 năm 2000 xuống còn 83.600 năm 2016. Giống như Tổng thống Donald Trump, năm 2002 Tổng thống George W.Bush đã chuyển hướng từ chính sách tự do thương mại của đảng Cộng hòa khi áp đặt thuế lên đến 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu để chống lại những gì ông tuyên bố là sự gia tăng hàng nhập khẩu. Liên minh châu Âu đã đệ trình cáo buộc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quy định rằng thuế quan là bất hợp pháp, phân biệt đối xử và ủy quyền lên đến 2 tỷ USD cho các biện pháp trả đũa. EU đe dọa thuế quan cho một loạt sản phẩm của Mỹ, bao gồm ô tô và cam của Florida. Cuối cùng, ông Bush đã phải bỏ thuế quan vào tháng 12-2003 và tuyên bố rằng chính sách thuế trừng phạt đã đạt mục đích. Tuy nhiên, những nghiên cứu tiếp theo cho thấy nó chẳng có chút tác động nào đến việc làm trong ngành thép, mà ngược lại, dẫn tới việc mất hàng trăm ngàn việc làm trong các ngành sử dụng thép làm nguyên liệu.

Chủ nghĩa bảo hộ từng được đảng Cộng hòa và  Nghị sĩ bang Ohio William McKinley (sau này thành tổng thống) thúc đẩy với chính sách thuế quan năm 1890, tăng thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu đến gần 50%. Hành động bị các nhà sử học xem là thảm họa này đã dẫn đến giá tiêu dùng và lạm phát cao hơn, gây ra phản ứng dữ dội. Đảng Cộng hòa mất đa số ghế vào quốc hội năm 1890 và thua luôn cuộc đua vào Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội vào năm 1892. Chính sách này đã bị bãi bỏ vào năm 1894.

Cùng nhận định với ông Conybear, Giáo sư Palen nói rằng, trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào, những người thua cuộc lớn nhất là người tiêu dùng. Một vài ngành công nghiệp có thể có lợi, nhưng có nhiều người thất bại hơn người chiến thắng. Và người nghèo là những người thua cuộc lớn nhất.

Tin cùng chuyên mục