Cuộc chiến chống IS: Hợp tác an ninh chưa hiệu quả

Chuyên gia Peder Hyllengren thuộc Đại học Quốc phòng Thụy Điển trong một chương trình phát trên Đài Truyền hình Thụy Điển ngày 11-2 cho biết một số nước Bắc Âu, trong đó đặc biệt là Thụy Điển, đã trở thành điểm nóng tuyển mộ phần tử cực đoan, chiến binh thánh chiến.



 Thế hệ thứ hai không sắc tộc ở Thụy Điển luôn là mục tiêu tuyển dụng của IS
Thế hệ thứ hai không sắc tộc ở Thụy Điển luôn là mục tiêu tuyển dụng của IS
Nguyên nhân sâu xa

Chuyên gia Hyllengren đưa ra nhận định trên 2 ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đối tượng Rakhmat Akilov, người Uzbekistan bị cáo buộc tấn công bằng xe tải tại thủ đô Stockholm của nước này hồi tháng 4-2017 làm 5 người chết, 15 người bị thương. Tên này đã trở thành phần tử cực đoan sau khi chuyển đến Thụy Điển năm 2014. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đặt Akilov vào tầm ngắm và chiêu mộ tên này thông qua mạng Internet trong thời gian y sống ở Thụy Điển. 

Ngoài những phần tử thực hiện các vụ tấn công ở châu Âu, các năm qua có khoảng 300 người Thụy Điển đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS và các mạng lưới khủng bố khác. Nhiều người Thụy Điển hoặc những người có quan hệ mật thiết với người Thụy Điển trong nhiều năm qua cũng bị cáo buộc phạm tội khủng bố tại Mỹ, Đan Mạch, Syria, Bosnia-Herzegovina và Hy Lạp. Có nhiều lý do khiến Thụy Điển trở thành điểm nóng tuyển mộ các phần tử thánh chiến: một số nhân vật cực đoan chủ chốt hiện cài cắm tại Thụy Điển; luật chống khủng bố lỗi thời của Thụy Điển đã giúp các mạng lưới thánh chiến hoạt động mạnh; chủ nghĩa thánh chiến là chủ đề kiêng kỵ, không được thảo luận công khai tại Thụy Điển và do vậy cản trở hoạt động của cơ quan tình báo nước này. Tuy nhiên, vấn đề mâu thuẫn xã hội giữa người nhập cư và người bản xứ mới là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên. Với dân số chỉ hơn nửa triệu người, thành phố cảng Gothenburg lớn thứ 2 Thụy Điển đã có ít nhất 100 người tham gia IS. Về mặt dân cư, Gothenburg là một trong những thành phố đa sắc tộc, 1/3 dân số ở đây là người di cư, chủ yếu là người Hồi giáo. Cộng đồng người di cư là bộ phận dễ bị tổn thương khi 2/3 số trẻ em bỏ học khi chưa đến 15 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp là 11% và người trẻ luôn là mục tiêu mà các phần tử cực đoan hướng tới. Thực tế cho thấy, có những mâu thuẫn trong thế hệ nhập cư thứ hai không sắc tộc ở Thụy Điển. Nhiều người trẻ nói rằng, họ cảm thấy bị cô lập và không phải là một phần của Thụy Điển. 

Chuyển hướng nguy hiểm

Chuyên gia phụ trách Cơ quan Chống khủng bố của LHQ Vladimir Voronkov nhận định mối đe dọa xuyên quốc gia từ IS đang biến hóa nhanh chóng, đặt ra thách thức đầy khó khăn đối với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế. Hiện nay IS không còn tập trung vào việc chiếm đoạt lãnh thổ mà thay vào đó tập trung tạo dựng một mạng lưới toàn cầu thực hiện các hành vi khủng bố ở mọi nơi.

Để đối phó với những mối đe dọa đang biến đổi như vậy, ông Voronkov cho rằng cần phải đi trước IS một bước trong bối cảnh lực lượng này thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới. Hơn thế, xử lý mối đe dọa từ IS đòi hỏi phải giải quyết được những nguyên nhân sâu xa khiến giới trẻ có xu hướng theo chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu với các phản ứng đa phương cụ thể và khẩn trương.
Một trong những rào cản lớn nhất chính là dù có nhiều cơ chế hợp tác nhưng việc chia sẻ, trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU vẫn không hiệu quả. Theo các nhà phân tích, một trong những chìa khóa cho cuộc chiến chống khủng bố là chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, thông tin tình báo lại là một công cụ thuộc chủ quyền quốc gia, vì thế các nước không sẵn sàng chia sẻ. Các cơ quan tình báo cũng không muốn chia sẻ nguồn thông tin, vì vậy, một hệ thống hạ tầng thông tin chống khủng bố ở phạm vi châu lục vẫn chưa được xây dựng.

Tin cùng chuyên mục