Cuộc chiến ở đầm mặn

Ở 4 góc đầm Thị Nại (Bình Định), ngư dân xưa vốn hiền lành với những nghề đánh bắt truyền thống, bỗng một ngày phát hiện trên đầm có nhiều giã cào kéo đến. Chúng vơ vét, tàn sát không bỏ sót thứ gì trên đầm. 
Các “hiệp sĩ” biển tuần tra bắt “cướp biển” ở đầm Thị Nại
Các “hiệp sĩ” biển tuần tra bắt “cướp biển” ở đầm Thị Nại
Cá tôm dần vắng bóng, những nghề truyền thống chìm dần vào dĩ vãng. Cuộc chiến bắt đầu bùng nổ nơi đầm mặn…
Đứng lên dẹp loạn
Xưa, Thị Nại được biết đến như một thương cảng kinh tế, quân sự lớn bậc nhất của duyên hải miền Trung - Tây Nguyên (thời kinh đô Vijaya - Chăm Pa). Vùng đầm rộng đến 5.000ha này nổi tiếng bởi, tôm, cá, thủy sinh nhiều vô kể. Con người sống quanh đầm bày ra trăm thứ nghề để mưu sinh. Họ chia chác đầm mặn rất tế nhị, vừa đánh bắt vừa bảo vệ, giữ gìn. Khoảng 10 năm trở lại đây, vùng đầm rộ lên nạn “cướp biển, cướp đầm”. Những chiếc giã cào sử dụng xung điện, xiếc máy, ngày đêm ra sức chích, dí, cào, quét… tàn sát thủy sinh vô tội vạ. Chỉ vài năm sau đó, ngư phủ truyền thống trên đầm không còn đất để dụng các ngón nghề cũ. Từ việc đấu tranh để giành lại cá, tôm…, giữ nghề, xung đột bắt đầu xảy ra dữ dội quanh đầm mặn. Những chiếc giã cào càng lúc càng hung hãn, chúng trang bị cả hung khí, sẵn sàng tấn công nếu có người ngăn cản. Dân tình dựng cả lều, rạp để “biểu tình” đòi trả cá, tôm… 
Chẳng còn cách nào khác, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) đành phải đi đầu trong phong trào dẹp loạn nơi đầm Thị Nại. Một nhóm người “vô danh” đứng ra nhận trách nhiệm tuyên chiến với “cướp biển”. Đi đầu trong nhóm này là ông Huỳnh Minh Cẩn (58 tuổi, thôn Vinh Quang 2, Phước Sơn). Theo ông Cẩn, nạn xung điện, xiếc máy bắt đầu manh nha ở đầm Thị Nại vào khoảng thập niên 90. “Anh, em chúng tôi khoảng 16 người, cùng ngồi lại với nhau đều là những người có “máu” thủy sản, yêu nghề đánh bắt truyền thống. Vì lo một ngày thủy sinh, tôm, cá vùng đầm bị cạn kiệt nên mới đứng lên chống lại chúng. Cũng may, hồi đó nhận thấy chúng tôi có ý nguyện nên đích thân Chủ tịch UBND xã Phước Sơn đã ủng hộ”, ông Cẩn kể. 
Những ngày đầu hoạt động, đội chống xung điện, xiếc máy Phước Sơn gặp vô vàn khó khăn về kinh phí, phương tiện, trang bị, thời gian… và luôn gặp rắc rối. Chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện, xả thân là chính. “Tàu giã cào càng lúc càng cải tiến, chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, đi như bay, chỉ có ca nô tuần tra mới đuổi kịp chúng. Ngày ấy lấy đâu ra ca nô, đến nỗi đi tuần, xã phải tự bỏ tiền túi ra để thuê tàu cho chúng tôi”, ông Cẩn nhớ lại.
Đấu tranh với “cò bờ”
Ông Nguyễn Văn Năm (55 tuổi), đồng nghiệp với ông Cẩn, nhẩm tính: “Chỉ cần một đêm hành nghề chót lọt giã cào thu về đến 4 - 5 triệu đồng. Bởi vậy, hầu hết những chủ nậu xung điện, xiếc máy thường rất giàu có, đời sống dư dả”. Theo ông Năm, thường thì các chủ giã cào đều sử dụng “cò bờ” để lấy thông tin hành nghề. “Cò bờ” ở đây là những người thân quen trong xóm, thanh niên, con trẻ mà chúng đã mua chuộc bằng tiền để canh chừng chúng tôi. Vì lợi ích quá lớn nên họ tìm đủ mọi cách để hành nghề, bất chấp và liều lĩnh…”, ông Năm nói.
Mới đây, nhận thấy đội chống xung điện, xiếc máy xã Phước Sơn hoạt động hiệu quả nên UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cần nhân rộng mô hình. Đồng thời, tỉnh quan tâm trang bị ca nô tuần tra, nhân lực, kinh phí, chỗ làm việc… để hỗ trợ. Tuy vậy, theo ông Cẩn, từ khi có ca nô, các “cò bờ” chuyển qua canh ca nô nên đội cũng gặp nhiều rắc rối. Mỗi đêm hành nghề, các chủ giã cào lại chung tiền để thuê “cò bờ” canh ca nô, báo tin. Có thông tin chắc chắn rằng ca nô nằm yên thì giã cào mới dám kéo nhau ra đầm để hành nghề. Có đêm, ông Cẩn và đồng đội đưa ca nô lên các lạch cao phía xã Phước Quang để giấu. Đêm đó, “cò bờ” nhốn nháo lục tung cả khu rừng ngập mặn lên để tìm. Ông Cẩn bật mí: “Giã cào sợ nhất là ca nô tuần tra nên chúng tìm mọi cách để phát huy thế mạnh của “cò bờ”. Nhiều đêm mình đã phải đánh lừa, để thoát khỏi “cò bờ”. Phải đánh bằng “du kích”, đánh đủ kiểu từ bất ngờ đến thất thường. Đêm nào anh em cũng ngồi lại để bàn cách đánh, biến hóa phải khôn lường thì mới bắt được giã cào. Chúng sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để mua chuộc anh em trong đội. Vì vậy, đa số anh em đều được chọn lựa kỹ lưỡng, xét cả nhân thân lý lịch và phải dũng cảm. Chứ thấy lợi quá lớn, nhanh chóng bị mua chuộc thì hỏng hết cả một chiến dịch.”
Nỗi lòng ngư dân
Hỏi ông Cẩn: “Với đội ngũ này, có thể dẹp loạn và trả lại bình an cho vùng đầm được chưa?”, ông Cẩn lắc đầu: “Do chúng ta không cương quyết ngay từ đầu để đến bây giờ “cướp biển” đã phát triển quá mạnh, khó dẹp lắm. Giá như, tất cả xã ven đầm chung tay để chống thì nạn “cướp biển, cướp đầm” mới được thanh trừ. Thực tế, bây giờ cũng chưa có chế tài nào đủ mạnh để răn đe xung điện, xiếc máy. Chúng tôi đi tuần bắt hàng loạt, nhưng chỉ biết thu máy, cắt gọng dí, lập biên bản rồi thả về. Nhiều đối tượng nghỉ một thời gian rồi nối gọng quay lại đường cũ, thành thử bắt cũng như không”. Ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) này cũng vậy, nhiều năm qua, đồng loạt người dân mòn mỏi gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi để phản ánh về nạn xung điện, xiếc máy. Quá căm phẫn, nhiều người dân mang cả cuốc, xuổng, gậy gộc… ra đầm để thách đấu với giã cào.
Có lần, theo chân một số ngư dân hành nghề truyền thống trên đầm Thị Nại, chúng tôi đã nghe được những trải lòng. Đa số giấu tên vì sợ “cướp biển” báo thù. “Chúng tôi đều là những ngư dân hành nghề nhỏ gắn bó với đầm này đã lâu lắm. Thấy bức xúc nên phản ánh để tìm sự giúp đỡ, chứ chả dám chống lại chúng. Bọn chúng mạnh, có phe phái, nếu biết tôi kể tội hôm nay thì chúng sẽ trả thù ngay”, một người nói. Đêm ấy, con đò chở theo tôi, các đồng nghiệp và 3 ngư phủ ẩn dưới chân cầu lớn. Chỉ độ 2 canh giờ nằm phục ở vùng đầm, chúng tôi đã chứng kiến cảnh bát nháo, giã cào sử dụng gọng phóng điện, lưới sắt để cào đầm Thị Nại. 
Không chỉ ở Thị Nại mà tất cả vùng ven biển, đầm, vịnh ở các tỉnh duyên hải miền Trung cũng đang đau đầu với nạn giã cào, xung điện. Ông Cẩn nói: “Chúng tôi chỉ góp chút sức mọn để mong mọi người sớm tỉnh ngộ mà buông tha bớt cho cá, tôm, thủy sinh trên đầm. Chứ lợi ích thì ai chẳng ham hố. Nhưng chúng ta nên nhớ, ông cha ta ngày trước đã biết cách đánh bắt dè xẻn, vừa đủ để dưỡng cá, tôm cho thế hệ sau và sau nữa. Còn chúng ta thì ngược đời, thấy lợi trước mắt là thẳng tay càn quét như những tên trộm vậy, thật xấu hổ”.

Tin cùng chuyên mục