Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Trở lực lớn nhất cho kinh tế thế giới năm 2019

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ được đánh giá không những là nguy cơ bên ngoài lớn nhất đối với chính nền kinh tế 2 nước, mà còn là trở lực lớn nhất đối với kinh tế thế giới trong năm 2019.

Trung Quốc chủ động giảm thuế đối với khoảng 700 mặt hàng nhập khẩu trước các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ
Trung Quốc chủ động giảm thuế đối với khoảng 700 mặt hàng nhập khẩu trước các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ

Tự bắn vào chân

Ngày 26-12, Nikkei Asian Review công bố kết quả điều tra, theo đó các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến cho nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 thập niên tới.

Trước đó, ngày 24-12, Sách xanh về kinh tế của Trung Quốc năm 2019 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố thừa nhận, mặc dù bất đồng có thể cản trở tăng trưởng kinh tế tại cả 2 nước, song Trung Quốc sẽ bị tác động lớn hơn nhiều so với Mỹ.

CASS nghiên cứu 3 viễn cảnh có thể xảy ra, liên quan tới các mức thuế khác nhau của Mỹ áp đặt đối với lượng hàng hóa khác nhau của Trung Quốc. Trong mọi viễn cảnh, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ trải qua những giảm sút lớn về xuất khẩu và việc làm.

Theo CASS, tác động bên ngoài lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới sẽ là cuộc chiến thương mại. Trong viễn cảnh xấu nhất khi 2 nước áp đặt mức thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng xuất khẩu của nhau, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm tới 9,7 điểm phần trăm, trong khi xuất khẩu của Mỹ có thể giảm 10,9 điểm phần trăm. Về vấn đề việc làm, nếu 2 nước duy trì mức thuế hiện tại đối với hàng hóa của nhau, Trung Quốc sẽ mất 8,6 triệu việc làm trong khi Mỹ sẽ mất 1,25 triệu việc làm.

Theo cuộc khảo sát hàng tháng của tờ The Wall Street Journal vừa công bố, đến 85% các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ cho rằng rủi ro đến với nền kinh tế Mỹ được đánh giá là nặng nhất kể từ năm 2015 đến nay. Trong đó, 47,3% các nhà kinh tế nhận định cuộc chiến thuế quan là mối đe dọa hàng đầu đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2019, chiếm tỷ lệ cao nhất trong bất kỳ mối đe dọa nào so với sự gián đoạn thị trường tài chính (20%), sự sụt giảm trong đầu tư kinh doanh (12,7%)…

Bắc Kinh chuẩn bị tình huống xấu nhất

Sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại hồi đầu tháng này, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã liên lạc chặt chẽ và dự kiến gặp nhau để đàm phán vào đầu năm tới tại Washington. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhận thấy khả năng các cuộc đàm phán thương mại này sẽ thất bại.

Chính vì sự thiếu chắc chắn này, các chuyên gia nhận định Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất bằng cách bám sát lộ trình tăng cường cải cách kinh tế và mở cửa. Phát biểu tại lễ ra mắt Sách xanh, Giám đốc Viện Phát triển xã hội thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, ông Yang Yiyong, nhận định cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ một mặt gây ra một số khó khăn cho Trung Quốc, mặt khác sẽ giúp nước này tăng cường cải cách.

Trước mắt, ngày 24-12, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo quyết định cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu năm 2019, trong một nỗ lực thúc đẩy “mở cửa thị trường”, qua đó thúc đẩy nền kinh tế.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-1-2019, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với khoảng 700 mặt hàng nhập khẩu, như nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh...; từ ngày 1-7 giảm thuế cho 298 sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin. Các biện pháp trên được cho là nhằm tăng nhập khẩu hàng hóa từ các nước ngoài Mỹ, trong bối cảnh các mức thuế bổ sung áp dụng với các sản phẩm của Mỹ trong năm qua đã làm giảm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục