Cuộc vận động không xả rác - Chậm chuyển biến

Cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước, là một chủ trương có ý nghĩa thiết thực và nhân văn, được người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, qua hơn 4 tháng phát động, chuyển biến vẫn còn chậm. 

Vẫn còn nhiều người xả rác ra đường

Cuộc vận động không xả rác đã tạo ra hiệu quả bước đầu là sự quan tâm của người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên, có những ý niệm đầu tiên và quan trọng về việc phân loại rác tại nguồn…

Tại nhiều khu dân cư, người dân đã cùng nhau thực hiện dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng và không để tái diễn nạn đổ rác bừa bãi. Nhiều người dân có ý thức tham gia hỗ trợ công nhân vệ sinh, như mang rác ra vào giờ có xe rác đi qua, để rác đúng nơi quy định, gom rác để nhân viên vệ sinh dễ xử lý… Cũng đã thấy những hình ảnh đẹp tại một số nơi công cộng: nhiều người thể hiện ý thức tự dọn dẹp, không để lại rác sau các hoạt động tập thể, nhắc nhở nhau dọn dẹp vệ sinh, có ý thức vệ sinh hơn khi đi lại trên đường.

Cuộc vận động không xả rác - Chậm chuyển biến ảnh 1 Rác tràn ngập ở một nhánh của suối Linh Tây, đoạn thuộc địa bàn tổ 6, khu phố 4, phường Linh Đông, quận Thủ Đức
Tuy nhiên, cuộc vận động không xả rác mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động và tổ chức ra quân, mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài kèm theo nên chuyển biến trên thực tế còn chậm. Ở nhiều nơi, nạn xả rác ra đường, xuống kênh rạch, xuống các miệng cống vẫn còn phổ biến và không có dấu hiệu giảm.

Trên nhiều tuyến đường vẫn thấy rác xả bừa bãi. Nhiều người đi xe (kể cả trong xe buýt hay từ ô tô) vẫn thoải mái vứt rác xuống đường, như chưa từng có cuộc vận động. Ở nhiều kênh rạch vẫn còn thấy rác tràn lan, không chỉ là hình ảnh xấu xí mà còn gây ra nguy cơ ngập úng trong mùa mưa nếu không được thu dọn kịp thời. Nhiều người vẫn xả rác, quét rác xuống miệng cống, mặc kệ rác có thể gây nghẽn dòng chảy và gây ngập cho chính nhà của mình khi có mưa lớn.

Sau đợt ra quân thu gom, dọn dẹp rác ở các khu đất bỏ hoang, những nơi vắng người qua lại hồi tháng 10 năm ngoái, nay nhiều nơi đã đầy rác trở lại, dù các biển báo cấm vẫn còn ở đó. Có một số người còn chở rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, xà bần xây dựng… bằng xe tải, xe ba gác, lén đổ ở các nơi công cộng, xem đó như là bãi rác. Khả năng tự quản của người dân và các đoàn thể, tổ chức ở khu dân cư chưa được thể hiện rõ để có thể ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Cần những biện pháp hiệu quả hơn

Cuộc vận động không xả rác chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Như vậy là có hạn chế ở khâu tổ chức thực hiện. Do đó, cần phải khẩn trương điều chỉnh cách thức tổ chức thực hiện ở từng cộng đồng dân cư.

Trước hết, từng quận/huyện cần quan tâm và chủ động tiến hành các biện pháp tạo điều kiện và hiệu ứng cho việc cải thiện vệ sinh môi trường. Cụ thể, các đơn vị thu gom rác ở địa phương phải chủ động thu gom rác ở những tuyến cống, kênh rạch, không chậm trễ hay né tránh dọn những khối rác lớn làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Công tác nạo vét cống và dọn rác cần được tiến hành thường xuyên, qua đó mới có thể vận động người dân quan tâm giữ vệ sinh đường phố và khu dân cư.

Trong 4 tháng qua, việc phân loại rác tại nguồn chưa có nhiều chuyển biến do nhiều người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến đầy đủ cách thức phân loại, chưa có thùng rác chuyên dụng để phân loại. Và nguyên do chủ yếu là chính xe chở rác cũng chưa được thiết kế để bỏ các loại rác theo sự phân loại đó.Các bãi rác cũng chưa xây dựng thành các khu vực rác được phân loại riêng mà còn đổ dồn chung một chỗ. Vấn đề này phải được giải quyết đồng bộ thì mới có thể thực hiện hiệu quả việc vận động cư dân phân loại rác tại nguồn.

Điều dễ nhận thấy là hầu như người dân nào cũng biết tác động xấu của việc xả rác bừa bãi nhưng không có nhiều người tự giác điều chỉnh hành vi, bởi họ nghĩ rằng chỉ có bản thân mình điều chỉnh thôi thì cũng không giải quyết được vấn đề khi nhiều người khác vẫn vô tư vi phạm.

Để cuộc vận động không xả rác tạo được chuyển biến rõ nét và căn cơ, công tác tuyên truyền vận động cần sâu rộng hơn, thấm đến từng hộ dân, tác động trực tiếp và cụ thể đến từng cá nhân. Muốn tác động đến nhận thức và hành động cụ thể, tạo được các thay đổi lớn về vệ sinh môi trường, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp xử phạt hành chính đối với người có hành vi xả rác, như phạt tiền, phạt lao động công ích dọn vệ sinh, kiểm điểm ở khu dân cư… Đồng thời, các cụm dân cư (tổ dân phố, khu chung cư…) cần có quy ước giữ gìn vệ sinh và định kỳ (hành tháng, hàng quý) có kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.

Tin cùng chuyên mục