Cưới muộn

Cưới muộn là khuynh hướng chung đang gia tăng. Trước đây, khi bước sang ngưỡng tuổi 30 đối với nữ giới, độ tuổi không còn trẻ, rất nhiều người bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, những năm gần đây, 30 tuổi đối với những phụ nữ có công việc ổn định thì chưa phải là “trễ nải” trong chuyện cưới hỏi…
Khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ
Khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ

Cuối năm - lại đến mùa cưới. Tại thời điểm này các đơn vị làm dịch vụ cưới bắt đầu chiến dịch quảng bá, khuyến mãi khủng. Nhiều nhà hàng tiệc cưới còn “rao” các gói quà tặng lên đến cả trăm triệu đồng để mời gọi các đôi đặt tiệc. Nhiều chủ nhà hàng cho biết, mỗi năm mỗi chật vật hơn trong khâu quảng bá vì ngoài cạnh tranh giá cả dịch vụ họ còn phải đối mặt với việc “khan hiếm” khách…

Từ từ tính

Thực tế, so với 10 năm trước, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới, càng ngày phụ nữ và cả nam giới đều không muốn cưới sớm. Nhiều người “ngộ” ra rằng đám cưới không đơn giản chỉ để hai người về chung một mái nhà mà còn là cả một kế hoạch cho cuộc sống sau cưới. Cưới muộn là khuynh hướng chung đang gia tăng. Trước đây, khi bước sang ngưỡng tuổi 30 đối với nữ giới, độ tuổi không còn trẻ, rất nhiều người bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, những năm gần đây, 30 tuổi đối với những phụ nữ có công việc ổn định thì chưa phải là “trễ nải” trong chuyện cưới hỏi…

L.T.X. (Bình Thạnh, TPHCM) nhân viên tư vấn cao cấp tại một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cho biết, khi học đại học cô nghĩ sau 25 tuổi sẽ lập gia đình rồi mới tính tiếp chuyện làm ăn, thế nhưng vừa xong đại học, cô săn được học bổng thạc sĩ tại Hà Lan 2 năm. Học xong cô ở lại Hà Lan đi làm để tích lũy kinh nghiệm thêm một năm và sau đó quay về Việt Nam làm việc. Về nước, với kinh nghiệm, học vị, cô được tuyển chọn vào phòng kinh doanh của công ty chuyên về bất động sản. Cô nghĩ vậy là ổn, sẽ tính chuyện chồng con, nhưng không ngờ sau 6 tháng làm việc cô cảm thấy không vận dụng và phát triển được những gì đã học với thực tế, cô lại nhảy việc và công ty hiện nay cô làm là đơn vị thứ 4 cô chọn sau khi từ nước ngoài về. Quay tới quay lui cô đã đến tuổi 30 và cảm thấy vẫn chưa thỏa sức với công việc, do đó chuyện chồng con gần như nằm ngoài kế hoạch của cô. Nhiều người hỏi, vậy kế hoạch về gia đình nhỏ nằm ở đâu trong mục tiêu hướng đến? Cô không ngần ngại trả lời: “Đến đâu tính đến đó, mới 30 tuổi mà?”.

Học tập, thăng tiến, tìm việc làm ổn định trước rồi mới tính tiếp là những lý do phần đông các cô gái thời nay đưa ra để biện minh cho việc chưa vội lập gia đình. Tuy vậy, vẫn còn một nhóm phụ nữ khác cho rằng, cưới sớm khi cả hai vợ chồng chưa ổn định việc làm, tài chính, sẽ khó tránh những xung đột và mâu thuẫn phát sinh. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn, giải pháp cuối cùng sẽ phải chia tay thì người chịu khổ sẽ là các con…, do đó họ đều trả lời “không cần cưới vội” - tìm hiểu kỹ rồi cưới!

Nhiều cơ hội chọn lựa

N.P. 35 tuổi, đang kinh doanh tự do, là người sống theo tiêu chí “tìm hiểu kỹ rồi cưới” và trong suốt gần 10 năm tìm hiểu đó đến giờ anh và bạn gái vẫn chưa tính đến hôn nhân (?!). P. lý giải cho việc kéo dài cuộc sống độc thân rằng, khi đã tìm hiểu quá kỹ lại đâm ra quá… thân và mối quan hệ trở nên… khi nào cưới cũng được.

Không chỉ riêng Việt Nam, theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục - Tâm lý Hàn Quốc, con số các cặp cưới nhau mỗi năm gần đây đều giảm 7% - 10% và độ tuổi trung bình của nam giới và nữ giới tiến đến hôn nhân đã tăng 32,8 (nam giới) và 30,1 (nữ giới).

Trào lưu sống đơn thân, sợ hãi với hôn nhân hay chưa chuẩn bị sống chung… đều là những lý do trì hoãn hôn nhân đối với đại đa số phụ nữ và nam giới ngày nay. Nhưng một chuyên gia tâm lý cho rằng cũng không loại trừ khả năng họ bị áp lực cuộc sống, đam mê công việc và không lo ngại rằng cưới trễ sẽ không thể có con…khi mà nền y học trong và ngoài nước đang phát triển đáng kể.

Đứng ở góc độ chuyên môn, một bác sĩ chuyên khoa sản giàu kinh nghiệm thường xuyên khuyên các chị em phụ nữ nên có con trước 35 tuổi vì sau 35 tuổi chất lượng trứng sẽ không còn tốt và khả năng thụ thai sẽ kém. Tuy vậy, trong quá trình làm nghề của mình bà cũng rất ngạc nhiên, vì những năm gần đây số tuổi thai phụ sinh con đầu lòng tăng hơn so với những năm trước.

Ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore, số lượng phụ nữ trẻ tìm đến dịch vụ trữ trứng tại các bệnh viện khá cao. Phần đông họ cho rằng việc trữ trứng để đảm bảo sau này nếu họ muốn sinh con thì trứng của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác vì việc ưu tiên của họ bây giờ vẫn là công việc...

Theo một trung tâm sinh sản tại Hàn Quốc, số lượng các chị em phụ nữ tuổi 20 - 27 đến các bệnh viện để trữ trứng rất nhiều, con số này tăng đều theo từng năm. Nếu như năm 2013, tại Trung tâm sinh sản Cha, chỉ có 30 phụ nữ độc thân đến trữ trứng thì đến năm 2016 đã tăng đến hơn 200 người và 36% trong số đó là phụ nữ 35 - 40 tuổi, 14% phụ nữ ở ngưỡng tuổi 20 và còn lại là 20 - 30 tuổi.

Tin cùng chuyên mục