Cuối trời, mây trắng đã bay…

1.
Cuối trời, mây trắng đã bay…

1. Ca sĩ  Quang Lý  (ảnh) là một danh ca của dòng nhạc trữ tình cách mạng. Dù anh không cần đến mỹ từ ấy trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình thì thực tế anh rất xứng đáng. Ca sĩ Quang Lý sở hữu giọng hát đẹp và rất đỗi dịu dàng, ngọt ngào và là giọng hát hiếm hoi (khi ấy) hầu như không để kỹ thuật thanh nhạc lấn át khi biểu diễn mà chỉ như là anh thủ thỉ với người nghe về điều đang ấp ủ trong lòng…

Ngày ấy, những năm 1976 - 1986,  chúng tôi, thanh niên Sài Gòn được điều động đi làm nơi xa, những chiều buồn, nghe Quang Lý trên radio hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Những ánh sao đêm, Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu), Tạm biệt chim én (Trần Tiến), thật ấn tượng. Ngày ấy biết tìm đâu ra các ca khúc mình yêu thích, thế là chúng tôi viết thư lên đài phát thanh đề nghị phát lại các bài hát trên rồi cả nhóm chia nhau chép mỗi người một câu rồi ráp lại thành bài, tập hát cùng nhau, cũng nhẹ nỗi nhớ nhà. Tôi biết về ca sĩ Quang Lý như thế.

2. Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi về công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng và được Ban Biên tập ủy thác làm một số chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện giúp người nghèo, bệnh tật. Vì không theo dõi lĩnh vực văn hóa văn nghệ nên tôi “mướt mồ hôi” khi chạy theo những yêu cầu khá kỳ lạ của nhiều ca sĩ tham gia chương trình như đòi hỏi vị trí, thứ tự đêm diễn; cát sê bao nhiêu mới được, hôm nay muốn hát bài này, ngày mai đổi bài khác; chỉ thích hát bài “ruột” (dù chẳng ăn nhập gì đến chủ đề chương trình) để khỏi mất thời gian vỡ bài mới…

Ca sĩ Quang Lý không thế, làm việc với anh thật nhẹ nhàng và nhanh gọn. Lần tham gia chương trình ca nhạc Mùa xuân cho em để gây quỹ “phẫu thuật vá hàm ếch và mổ mắt mù do đục thủy tinh thể cho trẻ nghèo”, hát xong ca sĩ Quang Lý vui vẻ nhận bồi dưỡng và anh xin góp lại cho quỹ. Anh lý giải nhẹ nhàng: “Làm việc thiện mà, mỗi người góp một chút, tôi xin góp giọng hát”. Trong chương trình Dòng thời gian do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, khi đạo diễn Thanh Hải  đề nghị ca sĩ Quang Lý và ca sĩ Thu Hiền sẽ chỉ hát chung bài Tình ca Tây Bắc, tôi đã rất ngại và nói với  đạo diễn: “Tên tuổi của hai ca sĩ gạo cội thế, họ không chịu đâu”. Nhưng anh Quang Lý và chị Thu Hiền  đã “chịu” bởi, anh quan niệm: “Đạo diễn đã tính toán, họ cần tôi ở vị trí đó, nên cần làm tốt phần việc của mình để chương trình được thành công tốt đẹp”. Sự chuyên nghiệp và tính khiêm tốn của một ca sĩ tên tuổi thể hiện nhẹ nhàng thế đấy. Tham gia với Báo Sài Gòn Giải Phóng 2 chương trình thôi, nhưng anh đã để lại trong lòng những người tổ chức sự ngưỡng mộ về anh, Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý, người không chỉ hát hay mà còn sống đẹp với tha nhân.
    
3. Một đồng nghiệp bên HTV, BTV Minh Bảo, có lần hỏi anh: “Sao anh không làm hồ sơ công nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân?”. Anh đã trả lời: “Anh không biết làm những thủ tục ấy đâu. Được khán giả yêu thương, nhiều khán giả trẻ cũng yêu quý thì là nghệ sĩ nhân dân rồi còn gì”.

Có lẽ anh nghĩ đúng. Nhiều khán giả trẻ, người lớn tuổi đã đến viếng anh khá đông. Một bà bác, mặt rất buồn, kể: “Sáng nào tôi cũng thấy chú ấy chạy ngoài công viên, còn “mạnh dạn” lắm. Sáng  qua cũng vẫn thấy chú thể thao chạy bình thường mà… sao lại thế?! Chú ấy là ca sĩ nổi tiếng nhưng sống chan hòa, giản dị với mọi người, ra đi bất ngờ quá”.  Saxophone Trần Mạnh Tuấn ngồi rất lâu trong nhà tang lễ, trước khi ra về, kể: “Em mới đi làm ngoài Hà Nội với anh Quang Lý về vài hôm, anh em làm việc vui vẻ, thấy anh ấy vui khỏe  mà, sao tự nhiên lại thế này. Em bất ngờ quá”.  Nhạc sĩ Trương Quang Lục nhìn ra khoảng sân nắng đầy hoa, nói với tôi: “Với nghệ sĩ tuổi không còn trẻ, sống khá kín đáo như Quang Lý mà đám tang có nhiều nước mắt, hoa trắng cả sân nhà tang lễ, cũng hiếm lắm. Như thế, biết lòng khán giả và đồng nghiệp cùng người hâm mộ dành cho Quang Lý thế nào”.

***

Ca sĩ Quang Lý quý mến, xin nhận ở đây những nụ cười chưa hoàn chỉnh của các bé hở hàm ếch vừa phẫu thuật xong; nhận ở đây những ánh mắt trong veo của các bé vừa tìm lại ánh sáng từ chương trình mổ mắt từ thiện có anh góp sức. Và, mùa xuân lại sắp về, trên nẻo cao tít mù miền Tây Bắc kia, những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biên cương, những người dân tộc nghèo sẽ không quên sự ấm áp, ngọt ngào của những món quà tết được mang đến từ những chương trình ca nhạc từ thiện của Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện, mà trong đó, anh đã góp một phần tâm sức.

Xin vĩnh biệt anh, Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý!

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục