Cứu bàn tay phải bị hoại tử cho bệnh nhi sinh non bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết

Sáng 20-9, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin vừa cứu sống thành công bé gái tên T.B. (ngụ An Giang) sinh non khi mới 30 tuần tuổi bị suy hô hấp, được chẩn đoán bệnh màng trong độ 3, nhiễm trùng huyết nặng dẫn đến cẳng bàn tay phải của bé bị hoại tử, lộ tới xương.
Bác sĩ đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi
Bác sĩ đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi

Theo bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bé sinh thường lúc 30 tuần tuổi tại An Giang; sau khi sinh, bé bị suy hô hấp được chẩn đoán bệnh màng trong độ 3, nhiễm trùng huyết, hoại tử cẳng bàn tay phải. Bé được đặt ống thở, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, điều trị kháng sinh... nhưng tình trạng nhiễm trùng lan rộng không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

Bé nhập viện tại khoa Hồi sức sơ sinh trong tình trạng tỉnh, khóc to, môi hồng, mạch rõ, cánh tay phải phì, cẳng tay phải tím hoại tử lan rộng từ bàn tay lên gần khuỷu tay phải. Qua thăm khám và chẩn đoán cho thấy bé bị viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết do Enterobacter, động máu nội mạch lan tỏa, hoại tử vùng cẳng tay phải lộ xương, mất ngón 1-2-5, viêm ruột hoại tử, bệnh màng trong, sinh non, nhẹ cân, chỉ có 1,6kg.

Đến ngày 21-8, sau 10 ngày điều trị tích cực bằng biện pháp chăm sóc tại chỗ, dùng kháng sinh và cắt lọc vùng hoại tử nhưng tình trạng hoại tử cẳng bàn tay của bé vẫn không cải thiện. Nguy cơ nhiễm trùng lan rộng gây mất mô cẳng tay, nguy cơ phải đoạn chi để khống chế nhiễm trùng ảnh hưởng tính mạng.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hội chẩn liên chuyên khoa để tìm biện pháp điều trị khác. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt hệ thống chăm sóc vết thương dưới áp lực âm, tưới rửa liên tục vết thương bằng muối sinh lý liên tục 24/24. 

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết, đây là phương pháp mới chưa từng áp dụng tại bệnh viện. Theo BS Hiếu, để có thể cứu chữa cho bé, các bác sĩ đã tìm mọi biện pháp để vừa giữ được tính mạng cho bé, vừa giữ được bàn tay cho bé và đây là lựa chọn tối ưu nhất.

Đối với trẻ sinh non thì mọi can thiệp đều rất dè dặt vì trẻ sinh non có rất nhiều nguy cơ. Da trẻ sinh non thiếu tháng dễ tổn thương vì chưa trưởng thành, lớp da hạ bì chỉ được 60% so với người lớn... Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị dưới áp lực âm, tưới rửa liên tục vết thương bằng muối sinh lý tình trạng của bé cải thiện rõ rệt. Các bác sĩ tiến hành cắt lọc vùng hoại tử và ghép da mỏng.

Hiện tại bé đã ổn định, tăng cân từ 1,6kg lên 2,3kg; vết thương vùng hoại tử đã lành, không rỉ dịch. Bé đang được tiếp tục điều trị viêm màng não.

Tin cùng chuyên mục