“Cứu hạn”... vaccine

Bộ Y tế khẳng định chất lượng của vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không khác gì vaccine dịch vụ. Số lượng trẻ được gia đình đưa đi tiêm vaccine Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các điểm tiêm dịch vụ có chiều hướng gia tăng. Đây là những tín hiệu đáng mừng nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm trầm trọng vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim và “6 trong 1” Infanrix Hexa, cũng như góp phần tăng cường phòng ngừa nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.
“Cứu hạn”... vaccine

Bộ Y tế khẳng định chất lượng của vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không khác gì vaccine dịch vụ. Số lượng trẻ được gia đình đưa đi tiêm vaccine Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các điểm tiêm dịch vụ có chiều hướng gia tăng. Đây là những tín hiệu đáng mừng nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm trầm trọng vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim và “6 trong 1” Infanrix Hexa, cũng như góp phần tăng cường phòng ngừa nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.

Đưa trẻ đi tiêm đầy đủ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tránh được nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Chất lượng như nhau

Sau khi Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải triển khai tiêm chủng vaccine mở rộng, trong đó có vaccine Quinvaxem “5 trong 1” (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”, tại Hà Nội và TPHCM, đã có điểm tiêm chủng dịch vụ tổ chức tiêm miễn phí vaccine Quinvaxem cho trẻ. Qua ghi nhận, tại các điểm tiêm chủng đã có nhiều gia đình đưa trẻ tới tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mà không chờ đợi vaccine dịch vụ nữa.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xuân (ở chung cư Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: Sau khi biết vaccine Quinvaxem thay thế được vaccine “5 trong 1” Pentaxim mà chất lượng như nhau, tôi đã đưa cháu tới Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để tiêm vaccine Quinvaxem vì thời gian qua ở Hà Nội đã có một số trẻ bị ho gà và thời tiết miền Bắc sắp vào mùa viêm não nên phòng tránh càng sớm càng tốt. Còn ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số trẻ được gia đình đưa đi tiêm vaccine Quinvaxem đang tăng lên từng ngày.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc, gia khẳng định, các kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thời gian qua đều cho thấy không liên quan đến chất lượng vaccine mà chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Các vaccine được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng khắt khe của Tổ chức Y tế thế giới. Các mẫu vaccine cũng đã được kiểm tra và khẳng định về tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cũng như tại các phòng xét nghiệm quốc tế. Chất lượng và độ an toàn của vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không khác gì so với các vaccine sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. Hơn nữa, các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được cung cấp đầy đủ vì có sự đảm bảo kinh phí của Chính phủ và hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). Vì vậy, mọi người không nên lo lắng về độ an toàn của vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đừng trông chờ vaccine dịch vụ

Về phía Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Trần Đắc Phu nêu rõ, qua thống kê việc sử dụng 2 loại vaccine dịch vụ Infanrix Hexa và Pentaxim tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ chỉ bằng 8% so với vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Chỉ riêng trong năm 2014 đã có trên 1,5 triệu trẻ em được tiêm ngừa bằng vaccine Quinvaxem, trong khi đó chỉ khoảng 200.000 trẻ em được tiêm vaccine dịch vụ. Rõ ràng đa số trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine Quinvaxem, trong khi đó chỉ một số lượng rất ít trẻ em tiêm vaccine Infanrix Hexa và Pentaxim và chủ yếu được sử dụng ở một số thành phố lớn.

Hơn nữa, Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được triển khai ở tất cả các xã phường trong toàn quốc với số lượng sử dụng hàng năm khoảng 35 - 40 triệu liều vaccine. Nhờ có Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc triển khai tiêm vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các điểm dịch vụ không chỉ nhằm giải quyết tình trạng thiếu vaccine dịch vụ mà còn tạo điều kiện cho trẻ em được tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch nhằm phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ trong năm nay sẽ còn kéo dài và trầm trọng. Theo đó, vaccine dịch vụ “6 trong 1” Infanrix hexa chỉ có thể dự kiến cung ứng 38.000 liều, tương đương khoảng 1/7 so với năm 2014. Đáng chú ý, trong số 38.000 liều, hiện nhà cung cấp mới đưa về Việt Nam trên 20.000 liều và chưa có thời gian dự kiến đưa về tiếp trong năm 2015. Đối với vaccine “5 trong 1” Pentaxim, số lượng cung ứng có nhỉnh hơn so với năm 2014 nhưng phải tháng 6, vaccine mới được chuyển về. Tuy nhiên tổng số liều vaccine “5 trong 1” dịch vụ nhập về trong năm 2015 cũng chỉ đủ tiêm cho trên 80.000 trẻ em, trong khi mỗi năm có đến trên 1,6 triệu trẻ ra đời.

Ngoài ra, số lượng các vaccine dịch vụ phòng viêm phổi, viêm màng não mủ phòng dại, vaccine 3 trong 1 phòng bệnh sởi - quai bị - rubella (của Mỹ và Pháp) chỉ có khoảng 225.000 liều, vaccine phòng bệnh viêm gan siêu vi A-B, vaccine phòng chống cúm... cũng đều có số lượng cung ứng thấp hơn so với năm ngoái.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục