Cứu lấy ngư trường…

Vùng biển Tây Nam trên hải phận của tỉnh Kiên Giang và Cà Mau diện tích khoảng 140.000km2. Vùng biển tuy không rộng, nhưng nhiều nguồn lợi thủy sản, ngư dân chỉ cần những ngư cụ thô sơ để đánh bắt là có thu nhập khá cao, đời sống no đủ. Đó là câu chuyện của thế kỷ trước.

Những lão ngư cho biết, không phải ghe lớn, lưới to mà chỉ nghề cặm nò ven biển, vài trăm cây tràm, cắm lưa thưa, khoảng cách vài chục mét/cây. Ấy vậy mà cá vẫn lần theo hàng cây đó mà vào bầu. Hôm nào may mắn có đàn cá lớn đi qua, chủ nò thu hoạch vài chục tấn, bán được cả chục cây vàng. Hay nghề lưới bao, chỉ cần cho tàu chạy dạo trên biển, khi nào anh chèo dọc phát hiện bầy cá nổi lên thì thả lưới bao lại, kéo cá lên. Thú vị nhất là nghề câu kiều, lưỡi câu không có mồi, được kết lại thành một dàn câu, cứ thế thả xuống biển, cá đi qua vướng vào lưỡi câu, nhấc lên là bắt cá… Đó là khi con người đối xử hài hòa, thân thiện với biển cả, biển cho con người một cuộc sống ấm no, sung túc. Ấy vậy mà con người không giữ được mối quan hệ này bền lâu. Gần 20 năm trôi qua, con người đã ngược đãi với biển, đến bây giờ biển đành phải phũ phàng lại. Suốt 20 năm trôi qua, con người đã khai thác hải sản một cách ồ ạt, mất kiểm soát. Hiện nay, cả nước có hơn 100.000 tàu đánh cá, trong đó Kiên Giang có trên 14.000 tàu lớn nhỏ, có hơn 4.000 tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Chia trung bình cho diện tích 63.000km² mặt biển của tỉnh Kiên Giang, hơn 4km²/tàu hoạt động, quá chật chội, biển không thể nào gánh nổi.  

Ngư trường đã chật hẹp, lại còn đánh bắt bằng các nghề mang tính hủy diệt, như thuốc nổ, xung điện, kéo cào, xiệp mé…  Khai thác quanh năm, không theo mùa vụ, nguồn lợi thủy sản không được tái sinh, dẫn đến ngư trường bị cạn kiệt. Ngoài ra, biển còn hứng chịu một lượng rác thải, nước thải độc hại từ các nhà máy, các cửa sông, các đô thị ven biển thải ra khiến bị ô nhiễm nặng nề.

Hệ lụy của những việc làm trên khiến công việc khai thác trên biển không hiệu quả, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Các tệ nạn trên biển bắt đầu hình thành, đến nay đã trở thành vấn nạn… Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã thu giữ trên 700.000 lít xăng, dầu, 383.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 122,7m³gỗ, 109.000kg đường cát, 505,9kg thuốc nổ TNT, 28 tấn cáp ngầm viễn thông lấy trộm dưới đáy biển. Không dừng lại ở đó, ngư dân còn làm cái điều đáng hổ thẹn với bạn bè quốc tế, đó là khai thác trộm hải sản ở vùng biển nước ngoài. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Kiên Giang có 127 tàu cá và 671 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, phạt tù 42 thuyền trưởng, 37 tài công; phá hủy 15 tàu, tịch thu 42 tàu, phạt 18 tỷ đồng, 150.000USD.
 
EU đã cảnh báo thẻ vàng đối với ngành thủy sản nước ta về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ nay đến hết năm 2018, nếu không khắc phục được tình trạng trên, đồng nghĩa với một thẻ đỏ, EU sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam. Đúng là biển Việt Nam đang nằm trong tình trạng khẩn cấp, cần được giải cứu. 

Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1- 1-2019, trong đó quy định chặt chẽ hạn ngạch cấp phép khai thác và bắt buộc phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình; quy định các điều kiện được khai thác hải sản trên biển; quy định về ngư cụ, phương tiện; vùng nuôi trồng, vùng khai thác nhằm bảo về môi trường sống của các loài thủy sản, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để ngư dân sống được tại ngư trường của quê hương mình, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm; tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ vùng biển.

Tin cùng chuyên mục