Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình

Đã bị “xà xẻo”!

Dư luận rất có lý khi đặt câu hỏi về chất lượng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngay khi khánh thành và đưa vào phục vụ SEA Games 22, tháng 12-2003. Kết quả thanh tra công trình, do Thanh tra Chính phủ tiến hành, đã thực sự làm mọi người sửng sốt: 17/18 triệu USD giá trị thiết bị sử dụng của công trình đã bị thay đổi so với hợp đồng, trong đó, có 5,49 triệu USD giá trị thiết bị không rõ nguồn gốc... Thế nhưng, sai phạm tại sân vận động này không chỉ có vậy…
Đã bị “xà xẻo”!

Dư luận rất có lý khi đặt câu hỏi về chất lượng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngay khi khánh thành và đưa vào phục vụ SEA Games 22, tháng 12-2003. Kết quả thanh tra công trình, do Thanh tra Chính phủ tiến hành, đã thực sự làm mọi người sửng sốt: 17/18 triệu USD giá trị thiết bị sử dụng của công trình đã bị thay đổi so với hợp đồng, trong đó, có 5,49 triệu USD giá trị thiết bị không rõ nguồn gốc... Thế nhưng, sai phạm tại sân vận động này không chỉ có vậy…

  • Giao thầu, hưởng chênh lệch hàng triệu USD

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (SVĐ) có tổng mức đầu tư 966 tỷ đồng (69 triệu USD). Giá trúng thầu là 785,6 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu của nhà thầu HISG là 59 triệu USD, có giá trúng thầu bằng với tổng dự toán là 741 tỷ đồng. Đây là gói thầu trọn gói từ thiết kế, thi công, cung cấp và lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra đã có thể khẳng định: kiến trúc của SVĐ đã không quán triệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tính mẫu mực, tính dân tộc, hiện đại.

Đã bị “xà xẻo”! ảnh 1

Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu mặt sân - hạng mục sau vài ba trận thi đấu trở thành “mặt ruộng”.

Sau khi trúng thầu, nhà thầu HISG đã ký với các thầu phụ trong nước thi công công trình. Trong đó, Tổng Công ty XNK Xây dựng Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà được giao xây dựng phần móng, phần thân các công trình phụ trợ.

Công ty tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (Bộ Xây dựng) liên danh với Công ty Right Oncomes (Úc) trúng hợp đồng giám sát thi công.

Đáng chú ý là HISG đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ với đơn giá rất thấp để hưởng chênh lệch hàng triệu USD. Chẳng hạn, phần dầm móng, ký với giá 55,78 USD/m3 để hưởng chênh lệch 32,8 USD/m3; cốt thép dầm móng ký với giá 408,1 USD/tấn, hưởng chênh lệch 125,01 USD/tấn.

Thậm chí ở một hạng mục khác, nhà thầu chính đã ký giá thực hiện 55,78USD/m3, qua đó hưởng chênh lệch 82,92 USD/m3 (chiếm 59,76% đơn giá đã ký với chủ đầu tư).

  • 94,4% thiết bị sử dụng không đúng với hợp đồng

Tuy nhiên, những sai phạm trên chỉ là... “muỗi” so với các sai phạm trong việc nhập khẩu, lắp đặt thiết bị cho SVĐ. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, toàn bộ thiết bị vật tư có xuất xứ từ Tây Âu và Mỹ (kể cả vật tư thiết bị đưa vào xây lắp). Thế nhưng, qua thực tế kiểm tra, giá trị thiết bị đưa vào sử dụng đã thay đổi so với hợp đồng chiếm tới 17/18 triệu USD tổng giá trị thiết bị.

Đã bị “xà xẻo”! ảnh 2

Các thiết bị xây dựng, trang trí cho sân vận động hầu hết không rõ nguồn gốc.

Còn nhớ trước đó, dù chưa có thiết kế nhưng HISG khẳng định đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị theo đúng nội dung hợp đồng với tổng giá trị không đổi! Điều đáng nói là tất cả những thay đổi này đều được UBTDTT phê duyệt (thời kỳ này nguyên Phó Chủ nhiệm UBTDTT Lương Quốc Dũng phụ trách lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản).

Nghiêm trọng hơn là về chất lượng thiết bị sử dụng tại SVĐ. Qua thanh tra, đã phát hiện thiết bị không rõ nguồn gốc có giá trị lên tới 5,495 triệu USD (chiếm 30% tổng giá trị gói thầu thiết bị); thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc có giá trị 793.800 USD, của một số nước châu Á khác chiếm 675.200 USD. Và, thiết bị thiếu so với hợp đồng là 344.000 USD.

Phần lớn thiết bị đều không ghi rõ tên nước sản xuất trên nhãn hiệu. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà thầu sai phạm hàng loạt như vậy mà không bị ngăn chặn? Trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát (Công ty tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng) và Công ty Kiểm định chất lượng Việt Nam (Vinacotrol) đến đâu?

Chưa dừng lại ở đó, hệ thống điều hòa không khí của SVĐ cũng có nhiều vấn đề. Hệ thống này có giá trị theo hợp đồng là 2,46 triệu USD (37,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo bộ hồ sơ nhập khẩu, hệ thống điều hòa chỉ có giá trị nhập khẩu là 9,1 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch lên tới 28,6 tỷ đồng!

Nghiêm trọng hơn là thái độ bất hợp tác của nhà thầu. Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra Chính phủ đã nhiều lần đề nghị HISG cung cấp tài liệu để xác nhận xuất xứ hàng hóa để chứng minh. Tuy nhiên, những đề nghị này đã không được HISG đáp ứng!

Theo nguồn tin của PV báo SGGP, để đánh giá chất lượng và độ an toàn của SVĐ, theo quan điểm của cơ quan chức năng, cần phải lập hội đồng kiểm định để xác định rõ nguồn gốc thiết bị trị giá 5,495 triệu USD.

Trớ trêu thay là trước đó, tại hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, khi PV báo SGGP phỏng vấn người có trách nhiệm về chất lượng của công trình, vị cán bộ này khẳng định: Bộ Xây dựng đã thẩm định công trình rồi. Vì vậy, SVĐ đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng (!?). Nay thanh tra phát hiện tới 5,49 triệu USD giá trị thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phải chăng “con voi đã chui lọt qua lỗ kim”? 

KIẾN QUỐC
 

Tin cùng chuyên mục