Đã uống rượu bia, không lái xe! - Không tiếp tục thói quen xấu và phạm luật

Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa được Quốc hội thông qua. Việc hạn chế lạm dụng rượu bia đã được luật hóa, trong đó có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. 

Báo SGGP tiếp nhận ý kiến của người dân góp ý về các giải pháp cần làm để luật này đi vào cuộc sống khi có hiệu lực thực thi vào đầu năm 2020.

BS ĐỖ THÁI PHƯƠNG NGỌC (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương): Thực thi nghiêm khi luật có hiệu lực

Rượu bia và thức uống có cồn khác gây tăng nồng độ cồn trong máu và ảnh hưởng lên hệ thần kinh trong thời gian nhất định. Các triệu chứng thể hiện tùy theo mức độ của nồng độ cồn trong máu, từ nhẹ như hưng phấn, liều lĩnh hơn; khả năng tập trung giảm, thời gian chú ý rút ngắn, giảm khả năng phán đoán, thường nghĩ gì nói đó, thiếu suy xét, gặp khó khăn trong các cử động khéo léo như viết, ký tên...

Nặng hơn, có thể kích động, khó nhận thức, mất thăng bằng, phản ứng chậm, nhìn nghe kém, ảo giác. Có thể không biết mình là ai, đang làm gì, cảm xúc cực đoan thái quá, thậm chí mất ý thức, nhịp tim chậm, nguy cơ tử vong nếu nồng độ cồn quá cao.

Đã uống rượu bia, không lái xe! - Không tiếp tục thói quen xấu và phạm luật ảnh 1 Một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Với những tác động tiêu cực như vậy đối với cơ thể, ngay từ mức độ nhẹ nhất, thì để tránh gây thương tích, tai nạn cho chính mình và người khác, người đã uống rượu bia hoàn toàn không phù hợp với việc điều khiển bất cứ phương tiện giao thông nào. Với việc Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được thông qua sẽ giữ an toàn giao thông tốt hơn, bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân, và tác động rất tích cực đến xã hội.

Với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nghĩa là trước khi lái xe hoàn toàn không được sử dụng thức uống có cồn. Chắc chắn nhiều người sẽ thấy khó thực thi quy định này do thói quen và văn hóa giao tiếp bằng rượu bia, để điều chỉnh không thể ngày một ngày hai, nhưng những gì không tốt đều cần phải thay đổi.

Cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, tuyên truyền qua các chương trình sức khỏe, tiếng nói của người nổi tiếng có ảnh hưởng đến nhận thức quần chúng. Các cán bộ, công chức, quân đội phải làm gương trong việc không lái xe khi đã uống rượu bia. Luật phải được thực thi nghiêm ngay từ ngày đầu có hiệu lực, để mang tính răn đe.

Bà MỸ DUNG (quận Thủ Đức, TPHCM): Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông

Cứ họp mặt là mời nhau, thậm chí ép nhau uống rượu bia là thói quen xấu nhưng rất phổ biến ở nước ta. Ngày nay, đi đâu cũng dễ tìm thấy quán nhậu, tiệm bán bia rượu. Bất kể già trẻ, lớn bé, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Uống say rồi người ta vẫn liều mạng chạy xe về nhà. Hàng ngày có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, phần lớn nguyên nhân do rượu bia gây ra.

Nay, khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua, nhiều người cho rằng sẽ khó tuân thủ quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, vì khi dự đám giỗ, tiệc cưới, họp mặt đều có rượu bia. Để từ bỏ một thói quen không tốt trong xã hội, thường rất khó khăn lúc đầu, nhưng khi thực thi nghiêm chỉnh, quyết tâm và thường xuyên sẽ thành nền nếp.

Để luật được thực thi nghiêm chỉnh, ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, quyết tâm thay đổi theo hướng chừng mực hơn, văn minh hơn, đã uống rượu bia thì dứt khoát không điều khiển xe.

Ông TRỊNH MINH NGHĨA (quận Gò Vấp, TPHCM): Quán nhậu cũng phải có trách nhiệm

Trước những tai nạn giao thông thảm khốc liên tục xảy ra do lái xe sau khi đã uống rượu bia, nhiều người dùng mạng xã hội đã đồng loạt thay avatar với slogan “Đã uống rượu bia, không lái xe. Say xỉn lái xe là tội ác”. Đây là thông điệp nhằm cảnh tỉnh về hiểm họa tai nạn giao thông thảm khốc do người lái xe khi đã uống rượu bia gây ra.

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy vậy, cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng làm sao cấm được chuyện lái xe khi có chút hơi men, bởi ở nước ta vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Ở đâu cũng có quán nhậu tấp nập thực khách, đủ các thành phần và lứa tuổi. Khi đã say loạng choạng, mọi người vẫn chạy xe về nhà.

Do vậy, để hạn chế tác hại do rượu bia gây ra, các chủ quán nhậu cũng cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc giữ an toàn giao thông. Cần quy định, buộc các quán nhậu phải treo biển cảnh báo nhắc nhở thực khách không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Trong cuộc cạnh tranh giữ chân thực khách, các chủ quán nhậu cần phải tính đến việc hỗ trợ khách hàng gửi lại xe máy tại quán để có thể thuê taxi, xe ôm về nhà sau khi đã uống rượu bia.

Các nhà hàng có thể mở thêm dịch vụ đưa khách nhậu say xỉn về nhà, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Hiện nay trên cả nước đã có một số nhà hàng, quán nhậu có dịch vụ đưa khách nhậu say xỉn về nhà, nhưng số lượng còn rất ít, chưa phổ biến.

Tin cùng chuyên mục